Lợi thế nông nghiệp Việt: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
Vào ngày 21/11/2014 vừa qua tại Đà Nẵng, Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư và thương hiệu Royal Salute đã đồng hành tổ chức buổi Tọa đàm thứ 2 “ Lợi thế Việt Nam – Bắt đất hóa tiền” trong hành trình tìm kiếm “ 50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect 2014”.
Ông Đặng Nhật Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư phát biểu khai mạc chương trình. |
Trong buổi Tọa đàm, các diễn giả cùng hơn 150 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại miền Trung đã thảo luận về những lợi thế của ngành nông nghiệp Việt Nam và làm thế nào để khai thác được hết các tiềm năng đó. Đây là buổi Tọa đàm thứ hai trong chuỗi sự kiện giải thưởng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect 2014”. Sự kiện tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng 12 tại TPHCM với nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa, hướng tới cộng đồng.
Với chủ đề xoay quanh các lợi thế nông nghiệp Việt, buổi Tọa đàm đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà lãnh đạo. Chương trình có sự tham gia, chia sẻ kinh nghiệm của 2 diễn giả bao gồm Giáo sư Võ Tòng Xuân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công, người đi đầu trong việc nghiên cứu phát triển các loại nông sản có giá trị cao của Việt Nam và ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Việt Nam hiện đang có lợi thế rất lớn về đất đai và khí hậu. Chúng ta nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới, có thể trồng cây quanh năm. Khác với các quốc gia nằm trong vùng khí hậu ôn đới, họ chỉ có thể trồng cây trong 6 tháng, việc điều khiển nhiệt độ thích hợp để trồng cây quanh năm là rất tốn kém. Đặc biệt, Việt Nam có rất nhiều loại cây trồng phong phú và đa dạng. Có thể thấy, Việt Nam đang nắm giữ lợi thế rất lớn, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế này để phát triển.
Giáo sư Võ Tòng Xuân phát biểu tại Tọa đàm “Lợi thế Việt Nam - Bắt đất hóa tiền” được tổ chức tại Đà Nẵng. |
Điển hình như trường hợp của Vinasoy, khi công ty đang đứng trước bờ vực phá sản vào thời gian đầu những năm 2000. Lúc này 2 đối thủ cạnh tranh lớn là Vinamilk và Dutch Lady đã dành hầu như toàn bộ thị phần. Lâm vào tình thế khó khăn, ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy chia sẻ, ông đã phải đưa ra quyết định tập trung vào gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, đi theo định hướng “chỉ một đậu nành”.
‘Tôi cần kiếm một ngách nào đó để dành lại thị trường’, ông Tụ nhấn mạnh.
Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy phát biểu tại Tọa đàm “Lợi thế Việt Nam - Bắt đất hóa tiền” được tổ chức tại Đà Nẵng. |
Nhờ đi đúng hướng, tận dụng thế mạnh của ngành nông nghiệp, Vinasoy đã tăng doanh thu gấp 150 lần từ 20 tỷ lên đến 3100 tỷ trong vòng 12 năm, với Vinasoy đây là một thành công lớn trong việc tìm ra tiềm năng của hạt đậu nành.
Tại Việt Nam có rất nhiều loại cây trồng có khả năng phát triển và trở thành sản phẩm thương mại mà doanh nghiệp có thể đầu tư. Vinasoy đã tìm ra tiềm năng phát triển của cây đậu nành, trước khi Vinasoy tìm ra điều đó, chúng ta đang ngồi trên đống tiền mà không biết. Do vậy, các doanh nghiệp Việt vẫn có thể tìm ra lợi ích kinh tế và cơ hội phát triển với rất nhiều loại nông sản, sản phẩm nông nghiệp phong phú tại Việt Nam.
Với những cơ hội là vậy, nhưng thách thức của các doanh nghiệp Việt cũng không nhỏ. Trước viễn cảnh Việt Nam đã gia nhập vào WTO và APEC, sắp tới là Cộng đồng kinh tế ASEAN (ACE), năm 2015, hạn định để chúng ta trì hoãn việc sống chung mặt bằng với các doanh nghiệp trên thế giới và trong khu vực đã cận kề. Do vậy, với khả năng cạnh tranh yếu, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra chưa đạt được hiệu quả kinh tế cao sẽ khiến các doanh nghiệp Việt đối đầu với tình cảnh vô cùng khó khăn trước mắt.
Có thể lấy một ví dụ điển hình về năng suất trồng cây mía của Việt Nam. So sánh với các nước trên thế giới, Brazil trồng 1 tấn mía chỉ mất 16 USD chi phí, tại Úc con số này khoảng 20 USD, tại Thái Lan là 30 USD nhưng tại Việt Nam, chi phí để trồng 1 tấn mía lên đến 55 USD.
Với năng suất kém như vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần những doanh nghiệp dám đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp nhằm gia tăng hiệu quả. Để có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, theo ông Xuân, cần sản xuất nông nghiệp theo nguyên hệ thống. Phải có sự gắn kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân. Từ đó gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp bằng cách biến các sản phẩm thô thành những sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, có giá trị thương hiệu. Có như vậy mới nâng cao được sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế sắp tới, các doanh nghiệp Việt cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa vào nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng năng suất sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh. Nếu không, các doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên chính sân nhà, nơi mà chúng ta đang có rất nhiều lợi thế.
Nguồn DVO