Ảnh: QH.
Lợi thế khép kín của Nam Việt
Nói đến cá tra, người ta thường nghĩ đến Vĩnh Hoàn (VHC), doanh nghiệp đầu ngành với 1/10 toàn thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Thế nhưng, doanh nghiệp hiệu quả nhất, đồng thời là cái tên có thời gian lâu nhất trên bản đồ xuất khẩu cá tra lại là Thủy sản Nam Việt (ANV).
Lợi thế khép kín chuỗi giá trị
Được Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) định giá ở mức P/E và P/B lần lượt 14 và 2,2 vào tháng 12.2018, cao hơn so với bình quân ngành, thậm chí, cao hơn cả doanh nghiệp đầu ngành là VHC, ANV được chuyên gia phân tích đánh giá cao nhờ triển vọng của doanh nghiệp. “ANV có nhiều động lực tăng trưởng hơn các doanh nghiệp khác, đặc biệt là kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu và thị trường xuất khẩu trong 2 năm sắp đến”, phân tích của PHS nhận định.
Khép kín chuỗi giá trị từ khâu tạo giống, nuôi trồng, sản xuất thức ăn cho đến chế biến, lợi thế vượt trội này của ANV giúp mang lại biên lợi nhuận gộp cao và ổn định nhất ngành, 21% so với mức bình quân 15% của ngành.
24 vùng nuôi với quy mô gần 300ha tập trung trên địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp, nơi không chịu ảnh hưởng từ xâm nhập mặn cung ứng 120.000 tấn cá nguyên liệu hằng năm cho ANV, đáp ứng 100% nhu cầu sản xuất của nhà máy. Có ít doanh nghiệp tự chủ toàn bộ nguyên liệu, vì ngay cả VHC cũng chỉ tự chủ được khoảng 2/3.
Tự chủ nguyên liệu là lợi thế rất lớn, khi giá vốn hàng bán chủ yếu dựa vào biến động giá cá tra nguyên liệu trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh giá cá tra đã tăng 66% trong 3 năm qua vì thiếu cá nguyên liệu. 2018 là một năm thuận lợi với ANV, khi doanh thu tăng trưởng ổn định nhờ mở rộng kênh phân phối. Kết thúc năm tài chính, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 600 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh so với năm trước nhờ thanh lý các khoản đầu tư và chuyển nhượng công ty con.
Ngành công nghiệp cá tra Việt Nam lớn nhất thế giới ước tính đạt doanh số xuất khẩu 2,26 tỉ USD trong năm 2018, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7% trong 10 năm qua. Trong khi thị trường Mỹ và châu Âu dựng lên nhiều rào cản đối với loại thủy sản này, thì nhu cầu từ Trung Quốc - Hồng Kông và các quốc gia ASEAN, cộng hưởng với việc thiếu các nguyên liệu, đã đẩy giá cá tra lên mức cao kỷ lục vào năm qua.
Tham vọng ở thị trường lớn
ANV đã từng là một cái tên lớn trên thị trường, khi đứng đầu thế giới về xuất khẩu cá tra vào năm 2007. Chuyển đổi sang nuôi trồng và chế biến thủy sản từ một công ty xây dựng được thành lập vào năm 1993 tại An Giang, sự nhanh nhạy của Tổng Giám đốc Doãn Tới trước sản vật con cá da trơn của vùng miền Tây sông nước đã đem đến thành công cho ANV. Ông Doãn Tới cũng từng đứng trong top những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Là 1 trong 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về xuất khẩu cá tra tại Việt Nam, ANV chủ yếu xuất khẩu cá đến nước láng giềng Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới này, cùng với châu Á đang là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ và vượt trên châu Âu. So với VHC có mức độ tập trung cao ở thị trường Mỹ, ANV chưa từng có mặt trong những bữa ăn của các gia đình Mỹ, nhưng lại sở hữu một danh mục đa dạng các thị trường xuất khẩu từ châu Á đến châu Mỹ La tinh. Sự đa dạng này mang lại cho ANV lợi thế linh động và tính chủ động khi các thị trường biến động. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ANV dự kiến đạt khoảng 250-300 triệu USD.
Tuy vậy, thị trường tiêu dùng Mỹ vẫn là đích đến của mọi doanh nghiệp, đặc biệt khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mở ra cơ hội cho việc đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Mỹ để thay thế cá rô phi Trung Quốc.
Không đứng ngoài xu thế, ANV lên kế hoạch thâm nhập vào thị trường này vào năm 2020. 10 năm trước, họ từng thất bại khi cố gắng tiếp cận thị trường này. Lần này, ANV kỳ vọng tạo ra sự đột phá với cách thâm nhập truyền thống đã chứng tỏ hiệu quả trong thời gian vừa qua, tìm đối tác chiến lược ngay tại thị trường để thương lượng và phân phối thông qua đối tác đó. Như cách mà họ đã thành công ngay tại thị trường Trung Quốc bằng sự kết hợp với đối tác Shang Hai FengLei.
Trong lúc chưa rõ khả năng thành công của kế hoạch mở rộng sản xuất trong nước và khả năng thương lượng ở thị trường Mỹ, thì khả năng cạnh tranh về giá của ANV tại thị trường tiềm năng này là điều cần quan tâm. “VHC đã có lịch sử xuất khẩu lâu vào Mỹ nên được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Tuy nhiên, ANV thì không, họ sẽ phải chịu mức thuế 2,39 USD/kg nếu thâm nhập vào thị trường này”, chuyên viên phân tích của PHS lưu ý.
Với kế hoạch mở rộng gấp 3 diện tích vùng nuôi để hỗ trợ đầu vào cho việc mở rộng thị trường, ANV dự kiến sẽ tăng 2,5 lần sản lượng cá thành phẩm và tăng 3 lần lượng cá giống vào năm 2020. Dù kế hoạch đạt lợi nhuận cao thứ 2 trong ngành, nhưng liệu hành trình chinh phục những mục tiêu mới của ANV có dễ dàng?