Lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng ở tất cả các kỳ hạn
Tổng giá trị giao dịch đạt gần 1.412 tỷ đồng, giảm 48,5% so với giao dịch tuần trước đó. Giao dịch chủ yếu ở trái phiếu kỳ hạn dưới 3 năm, chiếm 77,2% tổng giá trị giao dịch; trái phiếu kỳ hạn 3 - 5 năm chiếm 1,4% và kỳ hạn 5 - 10 năm chiếm 21,4%.
Các giao dịch diễn ra trong tuần vẫn chủ yếu là giao dịch Repo ký mới. Bên cạnh đó, cũng có các giao dịch là giao dịch lần 2 của các hợp đồng Repo đã ký.
Giao dịch Repo trên thị trường thứ cấp có tài sản đảm bảo là trái phiếu nên các ngân hàng thực hiện giao dịch Repo nhiều hơn thay vì giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
Chênh lệch giữa giá chào mua và chào bán lớn nên ít giao dịch Outright (bán hẳn) được thực hiện. Lợi suất chào mua/chào bán của một số kỳ hạn có thể tham khảo như: 9,2/8,6%, 9,9/9,65%, 10,2/9,85%, 10,3/9,9% lần lượt đối với trái phiếu kỳ hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm và 5 năm.
Giao dịch của khối ngoại trong tuần này tăng về tỷ trọng nhưng giảm về giá trị. Một số Ngân hàng nước ngoài bán trái phiếu ra trong thời điểm này nhằm cơ cấu lại danh mục. Giao dịch của khối ngoại chiếm gần 40% tổng giá trị giao dịch, chủ yếu ở kỳ hạn dưới 3 năm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng ở tất cả các kỳ hạn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm tăng 6 điểm và kỳ hạn 5 năm tăng 9 điểm, kỳ hạn 10 năm tăng 3 điểm.
Sau 1 tuần chững lại, lợi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục xu hướng tăng. Theo quán tính từ giờ đến cuối năm CPI sẽ tiếp tục tăng, do đó nhiều khả năng lợi suất trái phiếu Chính phủ sẽ tiếp tục có xu hướng tăng.
Nguồn Khampha/BVSC