Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu
Thị trường sơ cấp
Trong tuần từ 29/9 đến 3/10, có 5.000 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) được huy động thành công, trong đó trái phiếu kỳ hạn 5 năm là 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là 2.000 tỷ đồng. Đây là tuần thứ tư liên tiếp, KBNN phát hành thành công 100% khối lượng chào thầu. Bên cạnh đó, 780 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Kho bạc TP. Hà Nội cũng được phát hành hết.
Lợi suất tiếp tục sụt giảm mạnh trên tất cả các kỳ hạn phát hành. Đặc biệt, kỳ hạn 5 năm giảm 0,74% so với lần đấu thầu gần nhất vào ngày 11/9, xuống 5,05%/năm. Như vậy, khoảng cách lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 2 năm chỉ còn 3 điểm cơ bản. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm giảm lần lượt 0,67% và 0,52% so với tuần trước đó, ghi nhận lần lượt tại 6,28%/năm và 6,98%/năm.
Tính đến ngày 3/10, tổng cộng 190.558 tỷ đồng đã được huy động thông qua kênh TPCP. Trong đó, KBNN huy động 176.169 tỷ đồng, chiếm 92% tổng khối lượng đã phát hành. Như vậy, KBNN đã hoàn thành 87% khối lượng dự kiến phát hành cả năm. Còn lại, 9.987 tỷ đồng được phát hành bởi Ngân hàng Phát triển Việt Nam và 4.402 tỷ đồng trái phiếu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Tuần qua, thị trường trái phiếu sơ cấp không tổ chức phiên đấu thầu tín phiếu nào. Trong tuần này, Quỹ Đầu tư phát triển TP. Đà Nẵng sẽ gọi thầu 1.100 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương, kỳ hạn 5 năm. Đây là lần thứ hai Đà Nẵng phát hành trái phiếu. Lần đầu được thực hiện vào năm 2013, phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu, với mức lãi suất 11%/năm.
Thị trường thứ cấp
Thị trường thứ cấp tuần từ 29/9 đến 3/10, có 20.974 tỷ đồng giá trị trái phiếu và tín phiếu được chuyển nhượng, giá trị trung bình mỗi phiên giao dịch đạt 4.195 tỷ đồng, giảm 18,79% so với tuần trước đó. Các giao dịch thông thường (outright) chiếm 68% tổng giá trị giao dịch, tương đương 14.213 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch mua bán lại (repos) là 6.761 tỷ đồng, chiếm 32% tổng giá trị giao dịch.
Đối với các giao dịch outright, giá trị giao dịch trái phiếu kỳ hạn còn lại dưới 1 năm và trên 7 năm lần lượt chiếm 3% và 6% tổng giá trị giao dịch. Trong khi đó, giá trị giao dịch trái phiếu kỳ hạn còn lại từ 1 đến 3 năm, từ 3 đến 5 năm và từ 5 đến 7 năm đóng góp tương ứng 32%, 47% và 12%.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 57,4 tỷ đồng trái phiếu thông qua các giao dịch outright và repos.
Theo số liệu từ Bloomberg, lợi suất tiếp tục sụt giảm trên tất cả các kỳ hạn. Lợi suất trái phiếu 1, 2, 3, 5, 7 và 10 năm ghi nhận lần lượt tại 4,18%/năm (giảm 17 điểm cơ bản), 4,49%/năm (giảm 17 điểm cơ bản), 4,70%/năm (giảm 22 điểm cơ bản), 5,01% (giảm 46 điểm cơ bản), 5,93%/năm (giảm 43 điểm cơ bản) và 6,22%/năm (giảm 58 điểm cơ bản. Lợi suất trái phiếu 15 năm giảm 41 điểm cơ bản, về mức 6,95%/năm.
Thị trường mở
Trên thị trường mở tuần từ 29/9 đến 3/10, không có giao dịch reverse repo và giao dịch reverse repo đáo hạn. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành 32.798 tỷ đồng tín phiếu các loại, giảm nhẹ 0,37% so với tuần trước đó. Tín phiếu kỳ hạn 91 ngày là 14.928 tỷ đồng, kỳ hạn 56 ngày là 6.774 tỷ đồng và kỳ hạn 28 ngày là 11.096 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu của tín phiếu đều giảm, tuy nhiên, tốc độ đã chậm lại so với tuần trước đó. Đối với tín phiếu 91 ngày, lãi suất trúng thầu dao động nhẹ trong tuần và kết thúc tuần tại ngưỡng 3,40%/năm (giảm 2 điểm cơ bản). Lãi suất tín phiếu 56 ngày và 28 ngày không thay đổi so với tuần trước đó, giữ nguyên tại 3,00%/năm và 2,60%/năm.
Trong tuần, có 23.862 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tính chung, NHNN đã hút ròng 8.936 tỷ đồng trên thị trường mở.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán