Reuters
Lợi nhuận Sabeco suy giảm sau 1 năm về tay người Thái
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV.2018 và cả năm 2018.
Cụ thể, năm 2018, Sabeco đạt doanh thu thuần 35.948 tỷ đồng, chỉ tăng 5,1% so với năm 2017. Về chi phí, lớn nhất vẫn là chi phí bán hàng với 2.768 tỷ đồng (giảm 1,5%); kế đến là chi phí quản lý doanh nghiệp với 913 tỷ đồng (giảm 2,4%) và chi phí lãi vay với 35,2 tỷ đồng (giảm 16,4%).
Trích báo cáo tài chính SAB. |
Lợi nhuận gộp của SAB giảm 8,8% xuống còn 8.084 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 26% trong năm 2017 xuống còn 22,5% trong năm 2018.
Mặc dù tiết giảm chi phí nhưng kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Sabeco vẫn giảm 11,4% xuống còn 5.387 tỷ đồng, dù vẫn vượt 10% so với kế hoạch đề ra. Phía Sabeco cho biết, sở dĩ tỷ lệ giá vốn tăng là do chi phí nguyên vật liệu và chi phí thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn so với năm trước.
Đây là điều mà giới phân tích đã nhận định từ trước. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 của các doanh nghiệp ngành bia, cho thấy sự sụt giảm trong biên lợi nhuận. Nguyên nhân khiến tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bia suy giảm trong năm 2018 chủ yếu đến từ chi phí đầu vào tăng. Cụ thể, giá thóc đại mạch đều tăng trong năm 2018. Ngoài ra, một yếu tố tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp ngành bia là việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 60% lên 65%, và các doanh nghiệp khó có chuyển khoản thuế này sang cho người tiêu dùng, do sự cạnh tranh ngày một gay gắt.
Thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn tiếp tục là nỗi đau đầu với các doanh nghiệp ngành bia trong năm 2019 này và như SSI Retail Research lưu ý hồi tháng 6 năm 2018 thì khả năng cao thuế TTĐB sẽ tăng do mức thuế này tại Việt Nam đối với đồ uống có cồn vẫn thấp hơn so với các nước khác.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang thực hiện nhiều chính sách nhằm hạn chế tiêu thụ bia và đồ uống có cồn khác: Bộ Y tế đang soạn thảo đề xuất trình Quốc hội liên quan đến việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn. Theo đề xuất, các công ty bia và nước giải khát có cồn sẽ bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức đối với sản phẩm nào có nồng độ cồn quá 15%.
Bộ Công Thương cho rằng xu hướng tiêu thụ bia đang tiếp tục giảm. Tốc độ CAGR giai đoạn 2021-2025 cho ngành bia là 5%, thấp hơn so với giai đoạn hiện tại 2015-2020 là 7%.
Ngoài ra vào hồi cuối năm 2018 - đầu năm 2019 SAB còn gặp rắc rối về việc bị truy thu tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của công ty. Cụ thể, ngày 28.12.2018, Sabeco bị Cục Thuế TP ban hành quyết định cưỡng chế thuế số tiền lên đến 3.140 tỉ đồng. Tuy nhiên vào ngày 1.1.2019, Cục Thuế TP.HCM chia sẻ với báo giới rằng Cục Thuế vẫn chưa truy thu được số tiền này vì tài khoản công ty không còn tiền.
Trong báo cáo tài chính vừa công bố, SAB cũng thuyết minh rằng quan điểm của công ty là luôn rõ ràng và nhất quán kể từ năm 2015 khi Kiểm toán nhà nước ban hành kết luân kiểm toán: Sabeco không có bất kì hành vi nào trong việc kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Công ty cũng cho biết thêm là “vào ngày 2.1.2019, Sabeco đã nhận được quyết định dừng thi hành các quyết định cưỡng chế nêu trên từ Cục thuế TP.HCM”.