Trong quý IV/2022 vừa qua, nhóm cổ phiếu VN30 có mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân khả quan hơn so với thị trường chung. Ảnh: TL.

 
Nhật Anh Thứ Hai | 13/02/2023 19:00

Lợi nhuận ròng của VN30 tăng 4,9%

Số liệu từ Công ty Chứng khoán VNDirect, 16 doanh nghiệp trong nhóm VN30 có tăng trưởng lợi nhuận ròng dương trong năm 2022 so với cùng kỳ.

Trong đó, dẫn đầu là Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã VRE) với đà tăng 108% so với cùng kỳ. Đứng thứ hai và thứ ba là BIDV (mã BID) và PV GAS (mã GAS) với mức tăng hơn 70% về lãi ròng trong năm 2022. 

Vincom Retail đã hoạt động bình thường trở lại trong năm 2022 so với việc đóng cửa/giãn cách xã hội vào năm 2021 do sự bùng phát của COVID-19. BIDV ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh mẽ trong năm 2022 nhờ giảm bớt chi phí trích lập dự phòng trong khi vẫn có mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần vững chắc. Trong khi đó, PV GAS đã ghi nhận sản lượng tiêu thụ khí khô tăng 7,8% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ huy động điện khí phục hồi sau đại dịch và giá khí bùng nổ (giá dầu FO của Singapore: +30%  so với cùng kỳ). Đáng chú ý, Vingroup ghi nhận lợi nhuận ròng trong năm 2022 là 8.352 tỉ đồng so với khoản lỗ ròng 2.771 tỉ đồng trong năm 2021.

Nhóm cổ phiếu VN30 có kết quả kinh doanh vượt trội hơn so với thị trường chung. Nguồn: VNDirect (Kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp phân theo vốn hóa)
Nhóm cổ phiếu VN30 có kết quả kinh doanh vượt trội hơn so với thị trường chung. Nguồn: VNDirect (Kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp phân theo vốn hóa)

Ở chiều ngược lại, năm 2022, lợi nhuận ròng của Hòa Phát (mã HPG) giảm mạnh 75%  so với cùng kỳ chủ yếu do (1) than coke đầu vào tăng gần 140%  so với cùng kỳ trong năm 2022 và (2) sản lượng tiêu thụ giảm 6,5%  so với cùng kỳ trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều thách thức. 

Tập đoàn Masan (mã MSN) cũng ghi nhận mức giảm 58% về lợi nhuận ròng trong năm 2022, chủ yếu vì ròng ở mức cao trong năm 2021 (8.563 tỉ đồng) nhờ khoản thu nhập bất thường lớn (~5.700 tỉ đồng). 

16 doanh nghiệp trong nhóm VN30 có tăng trưởng lợi nhuận  ròng dương trong năm 2022.  Nguồn: VNDirect.
16 doanh nghiệp trong nhóm VN30 có tăng trưởng lợi nhuận ròng dương trong năm 2022. Nguồn: VNDirect.

Petrolimex (mã PLX) cũng chứng kiến sự sụt giảm 48% về lợi nhuận ròng trong năm 2022 do phải tăng tỉ trọng nguồn nhập khẩu để đảm bảo xăng dầu cho thị trường trong nước 9 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới không thuận lợi và chi phí kinh doanh xăng dầu tăng cao.

Đáng chú ý, Hàng không Vietjet (mã VJC) ghi nhận khoản lỗ 2.172 tỉ đồng trong năm 2022 do không ghi nhận lợi nhuận từ việc bán và cho thuê lại; cũng như các khoản thu nhập tài chính khác như năm 2021 và giá nguyên liệu tăng cao.

Ở khía cạnh đầu tư, VNDirect cho rằng danh sách nhóm cổ phiếu VN30 và HNX30 cũng là một trong những lựa chọn mà nhà đầu tư mới có thể quan tâm. VNDirect lý giải, về cơ bản để lọt vào rổ chỉ số VN30 hay HNX30 các cổ phiếu phải thỏa mãn các điều kiện về vốn hóa, thanh khoản và đã được chọn lọc.

Những doanh nghiệp trong 2 danh sách này có nhiều ưu điểm. Đó là những cổ phiếu có quy mô vốn hóa (giá trị thị trường của toàn bộ doanh nghiệp) đầu ngành và lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Thanh khoản của cổ phiếu cao do đó không lo vấn đề thanh khoản. Và những cổ phiếu này đã được các cơ quan quản lý chọn lọc và thông qua nên có độ tin cậy.

Tuy vậy, nhóm cổ phiếu này vẫn có vài hạn chế như còn một số doanh nghiệp xấu lọt vào rổ chỉ số này. Hoặc có nhiều doanh nghiệp lớn đã bão hòa và lỗi thời. Do đó, bên cạnh tập trung vào danh sách này thì cũng cần có sự sàng lọc và phân tích để đưa ra quyết định đầu tư chính xác.

Có thể bạn quan tâm 

Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục "chảy" vào Việt Nam

Nguồn Theo VNDirect