Thứ Năm | 25/10/2012 08:29

Lợi nhuận ngân hàng vẫn thấp so với vốn điều lệ

Ngoài ra, Tổng giám đốc Eximbank cho biết năm nay các ngân hàng chỉ đạt khoảng 70-80% kế hoạch lợi nhuận.
Lợi nhuận ngân hàng so với vốn điều lệ là thấp

Trao đổi với Pháp Luật TPHCM, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng lợi nhuận của ngân hàng so với vốn tự có như vậy là thấp. TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết với một ngân hàng vốn tự có khoảng 10.000 tỉ đồng mà lợi nhuận chỉ khoảng trên 1.000 tỉ đồng là quá thấp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng dư nợ toàn ngành ngân hàng chỉ đạt khoảng 2,5% so với cuối năm 2011. “Bên cạnh đó, áp lực về nợ xấu đang đè nặng nên lãi ròng trên vốn tự có của hệ thống ngân hàng sẽ giảm mạnh so với năm ngoái” - TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Mới đây, Ngân hàng Sacombank cho biết lợi nhuận trước thuế chín tháng đầu năm là 2.107 tỉ đồng, chỉ tương đương 62% kế hoạch năm. Lienviet Postbank, chín tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 468 tỉ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ 2011. Ngày 23/10, Ngân hàng Eximbank cho biết do những tác động xấu từ tình hình kinh tế chung, lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái giảm khoảng 15%.

Tiến sĩ Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank, cho biết.“Có thể nói năm nay, ngoại trừ một số rất ít ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, đa số các ngân hàng đạt lợi nhuận thấp và không bằng so với mọi năm” -

Ngân hàng chỉ đạt khoảng 70%-80% kế hoạch lợi nhuận

Một chuyên gia kinh tế nhận định trong nhiều nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng giảm có yếu tố bị ép cả hai đầu lãi suất. Đặc biệt, việc đưa lãi suất cho vay đối với bốn nhóm đối tượng ưu tiên về dưới 15% trong thời gian quá ngắn cũng khiến lợi nhuận ngân hàng giảm đi nhiều.

Vấn đề lợi nhuận năm 2012 thấp hơn 2011 được ông Trương Văn Phước lý giải như sau: Thứ nhất là kinh tế những năm qua khó khăn, doanh nghiệp gặp khó trong khi nợ xấu tăng lên. Vì lẽ đó, khi ngân hàng hạ lãi suất cho doanh nghiệp vay đã làm nguồn thu sụt giảm nhiều.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng rất thấp, có ngân hàng còn tăng trưởng âm.

Thứ ba là cầu vốn các năm trước nóng, tình hình vay vốn trên thị trường liên ngân hàng cao nên dòng vốn không vay ra ngoài được thì cho vay trên thị trường liên ngân hàng cũng tạo ra nguồn thu lớn. Còn năm nay, vấn đề cơ cấu lại nợ làm cho những khoản nợ lẽ ra đã chuyển sang nợ quá hạn vẫn được giữ lại ở nhóm bình thường.

Thực chất cái được gọi bình thường cũng có vấn đề. Quá trình cơ cấu nợ, giúp cho không tăng nợ, không chuyển qua nợ quá hạn nhưng nguồn thu của doanh nghiệp và người vay tiền không đủ để trả lãi và gốc cho ngân hàng. Do đó, ngân hàng phải giảm lãi suất xuống, chờ qua một thời gian sau khi cơ cấu nợ xong, doanh nghiệp giải tỏa được hàng tồn kho và hoạt động bình thường trở lại.

“Bởi vậy mục tiêu lợi nhuận đề ra năm nay các ngân hàng sẽ chỉ đạt khoảng 70%-80%” - ông Phước nói thêm.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện