Lợi nhuận ngân hàng teo tóp
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng điều này không ngạc nhiên vì đã được nhìn thấy từ trước.
Thu nhập sụt giảm
Trong quý 4-2013, Eximbank lỗ 222 tỉ đồng do thu nhập từ lãi thuần trong quý chỉ đạt gần 494 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó chi phí dự phòng lại tăng gấp ba cùng kỳ năm trước, ở mức 120 tỉ đồng. Kinh doanh ngoại hối quý cuối năm của Eximbank lỗ gần 230 tỉ đồng.
Lũy kế năm 2013 lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ đạt 827 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 2.851 tỉ đồng của năm 2012. Trong đó, thu nhập từ cho vay, nhận tiền gửi của Eximbank giảm tới 45% so với năm ngoái, mảng ngoại hối lỗ hơn 113 tỉ đồng.
Tỉ lệ nợ xấu của NH này tại thời điểm 31-12-2013 tăng lên 2% từ mức 1,3% đầu năm. Đặc biệt các khoản nợ có khả năng mất vốn tăng 35% so với đầu năm.
Giải thích về kết quả kinh doanh quý 4-2013, một lãnh đạo Eximbank cho biết do NH ghi nhận khoản lỗ từ kinh doanh ngoại hối và vàng.
“Thật ra khoản lỗ này có từ giữa năm 2013, khi thực hiện đóng trạng thái theo quy định của NH Nhà nước, nhưng NH đã treo lại đến cuối năm. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là khoản lỗ vì khi bán vàng lấy VND trước đó, NH đã có lãi nhờ chênh lệch lãi suất huy động vàng và VND lên đến 14-15%/năm và khoản lãi này đã tính vào lợi nhuận những năm trước” - vị này nói.
ACB cũng lỗ gần 293 tỉ đồng trong quý 4-2013 do thu nhập từ lãi vay giảm 45%, kinh doanh ngoại hối và vàng lỗ 34 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cả năm lợi nhuận sau thuế của ACB vẫn tăng 5%, đạt khoảng 825 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu cuối tháng 1-2013 tăng lên 3% từ mức 2,5% đầu năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh.
Sacombank dù đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng bởi tình hình chung. Dù dư nợ cho vay tăng mạnh nhưng thu nhập từ lãi thuần trong quý 4 lại giảm 212,2 tỉ đồng so với cùng kỳ do lãi suất cho vay không còn ở mức cao như năm trước.
Ông Phan Huy Khang, tổng giám đốc Sacombank, cho biết năm 2013 lãi suất cho vay đã giảm rất nhiều, chênh lệch lãi suất huy động - cho vay giảm làm lợi nhuận bị ảnh hưởng vì hiện nay 85% nguồn thu của NH đến từ lãi.
“Năm nay NH Nhà nước đã định hướng sẽ giảm thêm 1-2% lãi suất cho vay nhằm kích thích sản xuất do vậy nguồn thu từ lãi sẽ eo hẹp hơn. NH đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ để tăng thêm nguồn thu từ mảng này nhằm bù đắp cho khoản thu từ lãi” - ông Khang nói.
Techcombank cũng vừa công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến năm 2013 là 878 tỉ đồng, giảm 13,7% so với năm 2012.
Tỉ lệ tăng trưởng tín dụng của NH này năm qua ở mức khiêm tốn 2,95%, tỉ lệ cho vay trên huy động chỉ ở mức 57,31%. Theo Techcombank, kết quả này là do NH trích lập dự phòng đầy đủ, duy trì chính sách cho vay thận trọng.
Trong năm qua NH cũng đẩy mạnh công tác quản lý và thu hồi nợ. Hiện tỉ lệ nợ xấu của Techcombank còn 3,65%, giảm mạnh so với mức 5,9% cuối quý 3-2013.
Không ngạc nhiên
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Phong, Công ty chứng khoán Bản Việt, cho rằng việc nhiều NH công bố lợi nhuận giảm mạnh không còn gây nhiều bất ngờ vì điều này đã được nhìn thấy trước khi chi phí vẫn cao nhưng thu nhập từ lãi cho vay lại giảm.
Ngoài ra NH còn phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Nhiều chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng trong năm 2014, nợ xấu sẽ vẫn tiếp tục làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành NH, đặc biệt khi các NH phải ghi nhận nợ xấu đúng thực tế.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, các NH đang phải gánh hậu quả để lại từ sự phát triển ồ ạt vào những năm trước đây. Tăng trưởng tài sản ngành NH vào những năm trước có khi gấp 3-4 lần so với mức tăng trưởng GDP, trong khi mức hợp lý chỉ khoảng hai lần.
Vào thời kỳ đó, các NH tuyển dụng nhân viên ào ạt, đua nhau mở thêm chi nhánh, xây dựng hạ tầng cơ sở. Các chi phí này phải gánh đến ngày nay.
Ông Hiếu cho rằng việc các NH vì khó khăn đã cắt giảm nhân sự cũng cho thấy họ đang trong quá trình tái cơ cấu hoạt động, làm sao để tiết kiệm chi phí hơn.
“Lợi nhuận ngành NH phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế. Đó là khi doanh nghiệp khó khăn, các NH cũng phải giảm lãi, chứ không thể cứ nghiễm nhiên có lợi nhuận khổng lồ. Dù đây không phải tin vui cho hệ thống NH, nhưng qua đây thấy được NH cũng dần minh bạch hơn. Nhà đầu tư nhìn vào có thể đánh giá đúng được giá trị cổ phiếu trước khi quyết định bỏ vốn đầu tư” - ông Hiếu nói.
Theo các chuyên gia, lợi nhuận nhiều NH giảm mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi các cổ đông, cổ tức sẽ thấp hơn.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, phải đến ngày 1-6 khi áp dụng thông tư 02 thì bức tranh NH mới lộ rõ. Có thể lợi nhuận NH còn tiếp tục bị ảnh hưởng vì các khoản nợ xấu được phơi bày ra đầy đủ.
Tuy nhiên, khi đó Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN sẽ có điều kiện để hoạt động hiệu quả hơn, góp phần tháo gỡ dần những khó khăn của ngành NH.
(Theo TT)