Thứ Ba | 28/05/2013 17:52

Lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh do chênh lệch lãi suất ngày càng hẹp

Đến cuối tháng 3/2013 chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra trừ chi phí dự phòng rủi ro còn 1,93%, giảm so với 2,33% cuối 2012.
Thông tin trên do bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong bài phỏng vấn về những công việc mà ngành ngân hàng đã thực hiện và sẽ tiếp tục triển khai theo Nghị quyết 02 đăng trên báo Đầu tư Chứng khoán ngày 27/5.

Cụ thể, về việc có tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp nữa không, bà Hồng cho biết, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng đã giảm rất mạnh trong thời gian qua.

Bà Hồng dẫn số liệu của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, phân tích trên cơ sở số liệu báo cáo tài chính của 36 ngân hàng thương mại trong nước cho biết, đến thời điểm cuối tháng 3/2013, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra đã trừ chi phí dự phòng rủi ro còn 1,93% (cuối năm 2012 khoảng 2,33%), tiếp tục giảm xuống và là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các tổ chức tín dụng (TCTD) sụt giảm mạnh, nhiều TCTD bị lỗ.

"Tôi cho rằng, nếu nợ xấu được xử lý, dòng vốn tín dụng khơi thông thì có khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Còn nếu không, với việc tiếp tục giảm chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra, nhiều TCTD có thể đối mặt với rủi ro lỗ, từ đó dẫn đến mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống và nền kinh tế", bà Hồng nói.

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, bà Hồng cho biết, trong 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng 2,11%, tuy thấp so với mục tiêu 12% của cả năm nhưng cải thiện nhiều so với mức giảm 0,2% cùng kỳ 2012.

Theo bà Hồng, tín dụng tăng thấp trong khi mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm chứng tỏ lãi suất không còn là nguyên nhân chủ yếu, mà là do 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi tổng cầu yếu. Doanh nghiệp không có đầu ra nên dù lãi suất giảm, nhu cầu vay vốn cũng không cao.

Thứ hai, khả năng tiếp cận vốn hạn chế do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn như tình hình tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi của dự án, không còn tài sản bảo đảm.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn, có dự án khả thi thì tiếp cận vốn rất dễ dàng, và được vay với lãi suất khá thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay.

Ba là, sự thận trọng của các TCTD trong cho vay trong điều kiện nợ xấu còn cao, doanh nghiệp khó khăn.

Bà Hồng cho rằng, tín dụng từ nay tới cuối năm sẽ tăng khi hệ thống ngân hàng triển khai tích cực Thông tư số 11 về cho vay hỗ trợ nhà ở và đưa Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vào hoạt động. Ngoài ra, các TCTD đang tích cực triển khai các dự án tín dụng đã ký kết tại Hội nghị xúc tiến Tây Bắc và Tây Nguyên vừa qua với tổng trị giá khoảng 44.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, bên cạnh sự cố gắng của hệ thống ngân hàng, cần nhiều giải pháp từ các bộ, ban ngành khác đẻ thúc dẩy dòng vốn lưu thông trở lại.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Sự kiện