MSB hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm. Ảnh: TL
Lợi nhuận ngân hàng băng băng về đích
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý II của các ngân hàng đã giảm, ước khoảng một nửa so với quý I, tương ứng mức tăng 36%. Nhưng nếu loại trừ các ngân hàng quốc doanh (do chi phí trích lập tăng mạnh) thì thu nhập của khối ngân hàng tư nhân lại tăng trưởng đến 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chờ quý IV phục hồi
Từ những dữ liệu trên, khối phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) đánh giá tốc độ tăng trưởng chậm lại là hợp lý. Bởi vì, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng rất mạnh trong nửa đầu năm và xét đến bức tranh lợi nhuận trong nửa sau năm 2020 khi ở trạng thái phục hồi lại mức bình thường.
Nửa đầu năm nay, các ngân hàng đã báo lãi cao, đạt mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội, bình quân 49% so với cùng kỳ. MBKE đánh giá, đó là nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh, biên lãi suất (NIM) cao hơn đáng kể (4,5% cao hơn 40 điểm cơ bản trong cả năm 2020), tăng trưởng mạnh về thu nhập từ phí (trên 50%), chi phí hoạt động tăng vừa phải và tỉ lệ trích lập dự phòng ở mức ổn định.
Tuy nhiên, vào thời điểm cuối quý II và nửa đầu quý III, làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến thu nhập của nền kinh tế và đến cả các ngân hàng. Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, “dịch bệnh trong tháng 7 và tháng 8 ảnh hưởng rất rõ ràng và có thể tác động đến lợi nhuận cả năm của Ngân hàng”. Tuy nhiên, TPBank hiện vẫn chưa đặt vấn đề điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận, vì Ngân hàng từ đầu năm đã dự trù trích lập bổ sung (khoảng vài trăm tỉ đồng). Do đó, tình hình kinh doanh vẫn sẽ tiếp tục như dự trù đặt ra.
Theo đánh giá của ông Hưng, doanh thu của TPBank sẽ giảm vì tiếp tục cơ cấu lại nợ cho khách hàng, nhưng ước tính cũng không lớn. Lãnh đạo TPBank cho rằng thị trường sẽ sớm phục hồi trong quý IV, tương tự như tình huống của năm ngoái là trong quý II và quý III tăng trưởng khá lình xình. Nhu cầu phục hồi nền kinh tế là lý do khiến nhiều chuyên gia cho rằng sẽ giúp lợi nhuận ngân hàng tiếp tục giữ đà tăng trưởng mạnh trong năm nay, trong bối cảnh cơ quan quản lý sẵn sàng cho mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn kiểm soát lạm phát.
Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nâng dự báo tổng lợi nhuận ròng của các ngân hàng trong danh mục theo dõi lên mức tăng trưởng 37,8% trong năm 2021, cao hơn đáng kể so với dự báo hồi đầu năm là 20,5%. Còn MBKE đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng, dựa vào diễn biến ứng phó và tình hình dịch bệnh. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt mức 37% trong điều kiện lạc quan, 33% trong điều kiện cơ sở và 25% nếu bi quan.
Theo đánh giá chung, động lực chính của các ngân hàng sẽ là tăng trưởng tín dụng, được dự kiến sẽ đẩy mạnh từ quý IV để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Theo MBKE, các ngân hàng sẽ nhận được thêm hạn mức tín dụng mới. Trước đó, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm đạt mức 5,5% kể từ đầu năm và 14% so với cùng kỳ (cao hơn so với lần lượt 3,7% và 9,8% trong năm ngoái).
Một yếu tố quan trọng khác là NIM của các ngân hàng sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm nay. Một phần nhờ chi phí vốn bình quân được kỳ vọng tiếp tục giảm nhờ dòng vốn giá rẻ, đồng thời các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động có tỉ suất lợi nhuận cao như bán lẻ, dịch vụ. “Suất sinh lời ngân hàng vẫn cao. Chúng tôi cho rằng NIM của cả năm 2021 sẽ không thấp hơn năm 2020”, MBKE đánh giá.
Một điểm tích cực khác là chi phí dự phòng được cho là tiếp tục giảm. Theo VCSC, chi phí dự phòng dự kiến giảm từ con số dự báo 4,3% đầu năm về còn 2,95% so với cùng kỳ. “Mặc dù dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 được nâng lên, nhưng chi phí dự phòng đối với các khoản vay được tái cơ cấu trong năm 2021 giảm”, VCSC đánh giá.
Kiểm soát chất lượng tài sản
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB, cho biết Ngân hàng sẽ cân đối để trích lập dự phòng bổ sung, hạ tỉ lệ nợ xấu xuống mức thích hợp, đảm bảo các hệ số cân bằng. MSB là ngân hàng hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.
Theo MBKE, các ngân hàng hiện nay được hỗ trợ về chính sách giãn nợ, trích lập dự phòng theo Thông tư 03. Các khoản nợ xấu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được giãn thời gian trích lập thành 3 năm thay vì một lần như trước kia. MBKE cũng đánh giá sẽ không có cú sốc về chi phí tín dụng do tỉ lệ nợ xấu đang ở mức thấp, bộ đệm dự phòng rủi ro hiện đã cao hơn nhiều.
Trong diễn biến có liên quan, một ước tính khác của Công ty Chứng khoán BSC cho biết trong quý I, các khoản nợ tái cơ cấu giảm mạnh, nhiều ngân hàng dự kiến mức độ trích lập chỉ còn khoảng 3-5% tổng dư nợ quý IV/2020. “Điều khẳng định hơn về quan điểm nợ tái cơ cấu sẽ không phải vấn đề lớn trong thời gian tới với ngành ngân hàng”, báo cáo BSC nhận định.
Trên thực tế, lợi nhuận ngân hàng phụ thuộc lớn vào quan điểm trích lập dự phòng. Có ngân hàng mạnh tay trích lập từ sớm, nhưng cũng có những ngân hàng đợi đến cuối năm. Theo các chuyên gia đánh giá, một số ngân hàng báo lãi cao hiện nay là vì chưa hạch toán đầy đủ các khoản nợ xấu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều khoản lãi chỉ là “dự thu” chứ không phải là “thực thu”.
Nhìn chung, điểm cộng cho các ngân hàng hiện nay là hệ thống ngân hàng đã được nâng cấp đáng kể. Theo MBKE, về trung và dài hạn, ngành ngân hàng vẫn được đánh giá rất lạc quan. Nguyên nhân ROE (tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) tăng là vì tín dụng tăng trưởng mạnh, thu nhập từ phí tăng, trích lập dự phòng ổn định. Các quy định về vốn hợp lý cho phép các ngân hàng duy trì tỉ lệ đòn bẩy trong bảng cân đối kế toán tốt.
Ngoài việc quan sát quy mô lợi nhuận, một điểm cần chú ý là các ngân hàng Việt Nam có khả năng sinh lời rất tốt. Ước tính ROE có thể đạt khoảng 16-20% (trong khi mức bình quân khu vực là 10%) trong vòng 5 năm tới.