Ảnh: Tienphong.vn
Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm: 11.300 tỷ đồng vs 21 tỷ đồng
Bên cạnh các ngân hàng báo lãi nghìn tỷ, thậm chí trên 10 nghìn tỷ thì vẫn có những ngân hàng chỉ đạt mức lãi vài chục tỷ, thậm chí có cả ngân hàng sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Bức tranh lợi nhuận càng lúc càng có sự phân hóa rõ nét hơn.
Trong nửa đầu năm 2019, Vietcombank tiếp tục thể hiện sự vượt trội với mức lợi nhuận trước thuế 11.300 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, một kỷ lục.
Đứng ở vị trí á quân là Techcombank với 5.661 tỷ đồng và mức tăng trưởng 9%. Vị trí thứ 3 thuộc về MBbank với 4.800 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ....Ngoài ra, một số ngân hàng khác có lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng, gồm có ACB.
Lợi nhuận nghìn tỷ ở mức thấp hơn (dưới 2.000 tỷ) phải kể đến các ngân hàng như VIB, TPbank, Sacombank, LienVietPostbank.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của một số ngân hàng đã công bố, chúng ta có thể thấy bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng đang có sự phân hóa rõ nét với 3 phân khúc, top ngân hàng lãi nghìn tỷ, nhóm ngân hàng lãi trăm tỷ và nhóm cuối chỉ vài chục tỷ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho biết, bức tranh lợi nhuận ngân hàng có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng. Lợi nhuận các ngân hàng top đầu tăng mạnh nhờ vào tín dụng, trong đó tỷ lệ margin cao (NIM - Net Interest Margin) trong khi các ngân nhỏ hơn thì tỷ lệ margin thấp hơn bởi các khoản thu chỉ là những khoản vay nhỏ, lẻ và khách hàng tiềm năng không nhiều.
Ngoài ra, ông Tín cũng cho biết thêm, các ngân hàng top đầu, lợi nhuận cao 1 phần cũng là do nguồn thu dịch vụ ngày càng tăng, đây hiện là miếng bánh béo bở với các nhà băng. Các ngân hàng top đầu là những ngân hàng có xu hướng tiên phong trong việc đẩy mạnh đổi mới, thay đổi diện mạo, đủ tiềm lực, khả năng đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ nhằm hướng tới khách hàng tiềm năng trong mảng dịch vụ, tạo sự trải nghiệm, thu hút được khách hàng để gia tăng nguồn thu.
Cụ thể như ngân hàng Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm, lãi từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này đạt 2.145 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ của Techcombank cũng tăng gần 19% đạt xấp xỉ 1.400 tỷ đồng. Còn VIB thì lãi từ hoạt động này được ghi nhận tăng đột biến 142% đạt 764 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Tiến, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán SBBS nhận định rằng, trong yếu tố thu từ dịch vụ thì mảng bancassurance - hình thức phân phối các sản phẩm bảo hiểm thông qua ngân hàng đang là xu hướng phát triển mạnh và đem về nguồn thu lớn cho ngân hàng.
Đơn cử, TPBank ghi nhận thu nhập từ dịch vụ và bảo hiểm hơn 249,4 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ 2018, tương đương 41% cơ cấu thu nhập dịch vụ. ACB ước tính thu từ bancassurance gấp 2,5 lần cùng kỳ 2018, với doanh số bảo hiểm khoảng 350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết thêm chỉ những ngân hàng lớn, có tiềm lực mới có khả năng triển khai kinh doanh mảng dịch vụ bancassurance. Vì thế, trong khi các ngân hàng lớn luôn đạt mức lợi nhuận nghìn tỷ thì các ngân hàng nhóm dưới chỉ thu từ tín dụng là chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh tín dụng bị siết chặt thì lợi nhuận khó tăng vượt bậc.
►Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm: Vừa mừng, vừa lo