Lợi nhuận ngân hàng 2013 thấp nếu nợ xấu tăng cao
Phần lớn nợ xấu của ngành ngân hàng có liên quan trực tiếp, hoặc gián tiếp đến bất động sản. Trong khi đó, giá bất động sản đã và đang giảm nhiều so với 3 năm trước. Đặc biệt, thị trường bất động sản đang đóng băng, nên việc phát mãi thu hồi nợ càng khó khăn hơn cho các ngân hàng.
Theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, năm 2013, tình hình kinh tế trong nước vẫn khó khăn, nhất là những tháng đầu năm, vì phải ưu tiên giải quyết các điểm nghẽn (hàng tồn kho, nợ xấu…). Các doanh nghiệp Việt Nam còn quá nhiều khó khăn và một số đơn vị phải dừng hoạt động, phá sản ước đến cuối năm 2012 là khoảng 51.800 doanh nghiệp. Vì thế, nguy cơ nợ xấu sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Do đó, nguồn trích lập dự phòng ngày càng gia tăng khiến lợi nhuận thu về “teo” lại.
Ngoài nợ xấu tăng cao, theo các chuyên gia, để có thể tồn tại và phát triển, ngân hàng phải đẩy mạnh việc tái cơ cấu và khả năng làn sóng mua bán, sáp nhập tiếp tục nóng lên khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh tái cấu trúc ngân hàng yếu kém. Bên cạnh đó, hoạt động tăng trưởng tín dụng năm nay cũng là bài toán không dễ đối với ngân hàng khi mục tiêu tăng trưởng dư nợ được NHNN đưa ra ở mức 12%, song muốn đẩy mạnh dư nợ là điều không đơn giản.
Trong khi đó, lợi nhuận của các ngân hàng phần lớn dựa vào hoạt động tín dụng (chiếm 60 - 70%). Vì vậy, ngân hàng sẽ rất khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, trước bối cảnh hiện nay, khó có thể nói trước được điều gì. “Tính đến cuối năm 2012, Vietcombank chỉ đạt 5.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (kế hoạch là hơn 6.500 tỷ đồng). Do đó, năm 2013, chúng tôi phải cân nhắc kỹ khi xây dựng chỉ tiêu kinh doanh và khó có thể kỳ vọng mức cao hơn”, ông Bình nói và cho rằng, thách thức đối với hoạt động của ngân hàng trong năm 2013 là không nhỏ, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là cục “máu đông” nợ xấu, buộc ngân hàng phải thận trọng trong chọn lựa khách hàng cho vay.
Tổng giám đốc một ngân hàng tại TPHCM cho rằng, chỉ tiêu lợi nhuận của các ngân hàng đưa ra cho năm nay chắc chắn sẽ giảm, bởi tình hình thị trường hiện nay đòi hỏi các ngân hàng phải tập trung để giải quyết nợ xấu, giảm trích lập dự phòng rủi ro.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM cho biết, lợi nhuận của các ngân hàng trên địa bàn năm 2012 chỉ bằng 30% so với cả năm trước đó. Theo nhận định của ông Minh, hoạt động cho vay của các ngân hàng năm nay sẽ tốt hơn khi lãi suất theo xu hướng giảm dần, song rào cản nợ xấu sẽ khiến dư nợ khó tăng trưởng mạnh. Các ngân hàng không thể đạt mức lợi nhuận cao khi tín dụng không thể tăng mạnh năm nay.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Mở TPHCM) cho rằng, cái khó nhất trong hoạt động tín dụng của ngân hàng hiện chính là nợ xấu. Nợ xấu tăng khiến dòng chảy tín dụng không thể khơi thông. Các ngân hàng buộc phải thận trọng khi trao vốn cho khách hàng để loại trừ rủi ro nợ xấu. Nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ.
Do đó, mặc dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN đưa ra cho năm nay ở mức thấp và mặt bằng lãi suất cho vay trong xu hướng phải giảm, nhưng dư nợ khó tăng. Trong khi đó, lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu dựa vào nguồn thu từ hoạt động truyền thống là tín dụng.
Nguồn Báo Đầu tư