Chủ Nhật | 19/05/2013 09:08

Lợi nhuận lao dốc, ngân hàng giảm lương và nhân sự

Kinh tế khó khăn, lợi nhuận lao dốc, các ngân hàng đua nhau cắt giảm lương và nhân sự.
Lợi nhuận giảm mạnh

Chưa năm nào, lợi nhuận ngân hàng lại giảm thê thảm như năm nay. Mặc dù mới hết quý I, phần lớn các ngân hàng đều công bố kết quả kinh doanh với sự đi xuống rất lớn. Thậm chí, có ngân hàng giảm lãi tới hơn 60%.

Eximbank là ngân hàng có lãi giảm mạnh nhất. Trong quý I/2013, Eximbank chỉ đạt 291,9 tỷ đồng, giảm 480 tỷ đồng, tương ứng 62,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động tín dụng giảm mạnh là nguyên nhân chính kéo giảm lợi nhuận. Tín dụng quý I chỉ tăng 0,03%

Techcombank nằm trong Top các ngân hàng kinh doanh ảm đạm. Lợi nhuận trước thuế của Techcombank là 397,4 tỷ đồng, giảm 630,6 tỷ đồng, tương ứng 61,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động kinh doanh của Vietinbank không sụt giảm quá nhiều. Trong kỳ, Vietinbank tăng mạnh chi phí dự phòng từ 845 tỷ đồng lên 1.346,4 tỷ đồng. Có thể thấy, chi phí dự phòng của Vietinbank tăng tới gần 60%.

Điều đó khiến lãi của Vietinbank sụt giảm mạnh. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Vietinbank quý I là 1.042,5, giảm 497,8 tỷ đồng, tương ứng 32,3%. Vietcombank cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ từ 1.290 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống 1.086 tỷ đồng.

tiền mặt
Ngân hàng giảmmạnh lợi nhuận, lương và nhân sự.

Những ngân hàng nhỏ cũng cùng chung "kịch bản" lợi nhuận với các ngân hàng lớn. SHB là ngân hàng mới nhất công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2013. Theo đó, thu nhập lãi thuần của SHB đạt 427,6 tỷ đồng, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong các hoạt động kinh doanh có hoạt động kinh doanh ngoại hối và các hoạt động khác đạt mức lãi cao hơn so với cùng kỳ năm 2012, còn các hoạt động khác đồng loạt giảm mạnh. Điều đó khiến lợi nhuận sau thuế chỉ là 163,1 tỷ đồng, giảm 61,5 tỷ đồng, tương ứng 27,4%. Tổng tài sản "bốc hơi" 10%

Có nhiều nguyên nhân khiến lợi nhuận các ngân hàng giảm như doanh thu giảm, tăng chi phí dự phòng, thua lỗ chứng khoán,… nhưng nguyên nhân chung nhất chính là nợ xấu. Hiện tại, nợ xấu của các ngân hàng rất cao.

Tiếp tục cắt giảm nhân sự

Lợi nhuận sụt giảm, các ngân hàng phải tìm cách cắt giảm chi phí. Trong đó, giải pháp quen thuộc nhất vẫn là cắt giảm lương và cắt giảm nhân sự.

Ngân hàng MaritimeBank chưa công bố báo cáo hoạt động quý I tuy nhiên tại đại hội cổ đông diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, ngân hàng này khiến cho thị trường xôn xao khi tuyên bố sẽ giảm 679 nhân sự trong năm 2013. Trong suốt năm 2012, ngân hàng này đã "chia tay" 1.060 nhân viên.

Năm ngoái, Techcombank gây sốc khi tuyên bố cắt giảm cả ngàn nhân sự. Với việc mạnh tay sa thải nhân viên, nhiều người tin rằng, "cơn lốc" giảm nhân sự sẽ chấm dứt ở ngân hàng này. Tuy nhiên, trong quý I/2013, Techcombank tiếp tục cắt giảm 240 vị trí.

Ngân hàng Á Châu ACB là đơn vị tạo nhiều dấu ấn nhất trên thị trường lao động. Năm 2012, ACB tuyển dụng nhiều nhất khi lượng việc làm tăng 1.663. Nhưng cũng trong 2012, ACB gây "bão" với thông tin sa thải hàng loạt nhân viên thử việc.

Tới quý I năm nay, ACB mạnh tay cắt giảm nhân sự. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, 223 nhân viên của ACB đã mất việc. Đứng sau ACB là Vietinbank và Eximbank với lượng nhân sự giảm lần lượt 79 và 29 người.

Vietcombank "bảo lưu" nhân sự ở mức 12.351 người, không đổi so với cuối năm ngoái. Nhưng đây cũng là bước lùi của "ông lớn" ngân hàng này vì năm ngoái Vietcombank tuyển tới 1.000 nhân sự. Khả dĩ hơn, một số ngân hàng nhỏ tuyển thêm người. Đó là Sacombank, MB, Oceanbank, VPBank. Trong đó VPBank gây ấn tượng nhất khi tuyển thêm 324 người.
Lương thưởng cũng đi xuống

Cùng với việc sai thải nhân viên, rất nhiều ngân hàng mạnh tay cắt giảm lương, thưởng. Tại thời điểm chưa công bố báo cáo tài chính quý 1/2013, SHB đã gây sốc khi thẳng thắn tuyên bố sẽ cắt giảm lương 2013.

Tại đại hội cổ đông diễn ra trong ngày 5/4, ông Đỗ Quang Hiển,chủ tịch Hội đồng quản trị SHB cho biết năm 2013 ngân hàng đẩy mạnh cắt giảm chi phí. Ông đề nghị giảm 10% lương, từ cấp giám đốc chi nhánh đến ban điều hành cắt giảm 10%, tổ trưởng 8%, nhân viên lương kinh doanh 5%.

Thu nhập tại ACB giảm tương đối mạnh, lên tới 30%. Trong quý I, chi phí để chi lương, phụ cấp cho cán bộ nhân viên cũng giảm tới hơn 100 tỷ đồng khiến thu nhập hàng tháng của nhân viên chỉ là 9,5 triệu đồng/tháng. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 14,4 triệu đồng/tháng.

MaritimeBank chưa công bố các con số cụ thể nhưng ngân hàng này khẳng định quỹ lương thưởng của ngân hàng này cũng sẽ được điều chỉnh giảm trong năm 2013.

Tại Vietcombank, quỹ lương của ngân hàng giảm mạnh, giảm 73 tỷ đồng, tương ứng 9,5% xuống 765 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân, thu nhập trung bình hàng tháng của người lao động Vietcombank là 17,4 triệu đồng, giảm 3,3 triệu đồng, tương ứng 16%.

Trong khi đó, Sacombank là ngân hàng hiếm hoi tăng thu nhập cho nhân viên. Thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên Sacombank đạt khoảng 15 triệu đồng/tháng, cao hơn 2,5 triệu đồng, tương ứng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn VTC


Sự kiện