Lợi nhuận giảm, ngân hàng lớn hạ lãi suất huy động
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước- NHNN) cho hay, nếu lạm phát đạt mục tiêu cả năm 6-7%, thì các tổ chức tín dụng sẽ có thể hạ lãi suất cho vay thêm 1-2%/năm. “Tuy nhiên, đến thời điểm này, NHNN chưa có chủ trương hạ thêm trần lãi suất huy động”, bà Hồng nói.
Theo báo cáo do Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố, việc VCB, VietinBank cắt giảm lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng giảm về ngưỡng 5,0%-5,1%/năm vào đầu tháng 6 (từ mức hơn 5,3%/năm) chỉ mang tính giảm chi phí nguồn vốn cục bộ và không tác động nhiều lên mặt bằng lãi suất chung.
“Tính đến thời điểm hiện tại, mức trần lãi suất huy động vẫn được giữ nguyên và mức này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, trên cơ sở dự báo CPI cả năm 2014 chỉ ở quanh mức 5%”, nhóm nghiên cứu của VCBS nhận định.
Cũng theo VCBS, tỷ lệ NIM sụt giảm mới là nguyên nhân chính khiến một số ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động nhằm đối phó với nỗi lo không đạt mục tiêu lợi nhuận. “Tỷ lệ NIM của nhiều ngân hàng tiếp tục sụt giảm. Với lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, việc giảm tỷ lệ này là khó tránh khỏi. Tỷ lệ NIM giảm, một phần cũng do lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu giảm”, các chuyên gia phân tích của VCBS nhận định.
Nhận xét về động thái giảm lãi suất của VCB, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho rằng, chỉ ngân hàng lớn mới có thể cắt giảm mạnh tay như vậy.
Theo khảo sát của Báo Đầu tư, hiện đa số các ngân hàng TMCP vẫn duy trì lãi suất huy động kỳ hạn 1-6 tháng ở mức 6%/năm. Tuy đây là mức lãi suất huy động kịch trần, song nhiều ngân hàng vẫn có thêm chính sách “thưởng” lãi suất cho khách. Theo đó, khách hàng gửi số tiền lớn sẽ được thưởng thêm 0,2 - 0,3%/năm (chưa tính thêm hình thức khuyến mãi khác). Nếu cộng lại các mức thưởng, lãi suất huy động lên tới trên 6%/năm. Điều này cho thấy, không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng hạ thêm lãi suất.
Đại diện nhiều ngân hàng nhỏ chia sẻ, hiện thanh khoản không còn là vấn đề đáng ngại, song các ngân hàng vẫn phải duy trì lãi suất cao để giữ khách gửi tiền, chờ tín dụng ấm lên vào nửa cuối năm. Bởi một khi khách hàng đã rút tiền thì rất khó kéo họ quay lại. Vì vậy, dù biết rằng, chỉ số NIM sụt giảm, nhiều ngân hàng nhỏ vẫn không dám mạnh tay giảm lãi suất.
Tính đến ngày 23/5/2014, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới tăng 1,31% so với đầu năm. Sản xuất chậm phục hồi khiến các ngân hàng đang dồn vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp.
Nguồn Báo Đầu Tư