Ảnh: Nguoiduatin.vn

 
Tùng Lưu Thứ Ba | 26/03/2019 08:00

Lợi nhuận giảm mạnh, VNG vẫn được định giá 2,77 tỉ USD

Seletar Investment, trực thuộc Temasek, vừa mua một lượng cổ phần của VNG với giá gần 1,9 triệu đồng/cổ phần dù lợi nhuận của "kỳ lân" này năm 2018 giảm mạnh.

Vừa qua,  Công ty Cổ phần VNG cho biết đã thực hiện xong một đợt chào bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư. Theo đó, công ty đã bán 355.820 cổ phần. Giá bán trung bình 1.861.000 đồng/cổ phần, cao hơn 800.000đ/cổ phiếu so với giá chào bán tối thiểu. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu quỹ còn lại của VNG là 7.108.262 cổ phiếu.

Tổ chức mua vào là Seletar Investments Pte, công ty trực thuộc Temasek, Singapore. Sau giao dịch, Seletar nắm giữ 1.740.431 cổ phiếu, tương đương 6,35% lượng cổ phiếu đang lưu hành của VNG.

Hiện tại, VNG đã phát hành hơn 34,5 triệu cổ phần, tương ứng vốn điều lệ hơn 345  tỉ đồng. Nếu tính theo giá mua trung bình sau thương vụ bán cổ phiếu quỹ vừa qua, VNG được định giá khoảng 64,2 nghìn ti đồng, tương đương hơn 2,77 tỉ USD. Còn nếu tính theo lượng cổ phần đang lưu hành thì giá trị của VNG cũng đạt 2,2 tỉ USD.

Số tiền thu được sẽ được VNG "dùng làm vốn lưu động để mở rộng và phát triển thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, góp vốn, đầu tư hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp khác có cùng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh với công ty nhằm phát triển sản phẩm và củng cố thị phần và vị trí của công ty trong ngành Internet".

Loi nhuan giam manh, VNG van duoc dinh gia 2,77 ti USD
Nguồn: VNG.

Dù mang danh xưng là một “kỳ lân”, chỉ các công ty khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao trong khoảng thời gian ngắn, kết quả kinh doanh của VNG hiện không mấy tích cực. Trong năm 2018, doanh thu của VNG đạt 4.304 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm 2017 và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 347 tỉ đồng, chỉ bằng gần 1/3 so với năm 2017. Thậm chí quý IV.2018 vừa qua công ty còn báo lỗ 44 tỉ đồng. Hai khoản mục chi phí ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của VNG là lỗ trong công ty liên kết tăng hơn 111 tỉ đồng lên 233 tỉ đồng, chi phí bán hàng tăng 427 tỉ đồng lên 1.191 tỉ đồng so với năm 2017.

Sự xuất hiện của cổ đông Seletar Investments là khá bất ngờ, khi mà theo một báo cáo hồi tháng 12.2018, trong danh sách cổ đông lớn của VNG không có tên công ty Singapore này.

Loi nhuan giam manh, VNG van duoc dinh gia 2,77 ti USD
 

Danh sách cổ đông nước ngoài của VNG cũng đã có sự xáo trộn, khi không còn 2 cổ đông cá nhân là Shen Hao, Thomas Loc Herron. Cụ thể, ông Shen Hao từng nắm giữ 602.474 cổ phần của VNG, chiếm tỷ lệ sở hữu 1,74%. Tại VNG, ông Shen Hao đảm nhiệm vai trò Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính và từng là Giám đốc phụ trách M&A của Tencent. Trong khi đó, ông Thomas Loc Herron đảm nhiệm vị trí Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp của VNG.

Dù các không nắm giữ cổ phần đa số, cổ đông ngoại vẫn có quyền đa số trong cơ cấu cổ đông của VNG. Lý do là vì công ty đã liên tục mua lại cổ phiếu quỹ những năm gần đây, khiến số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết thấp hơn rất nhiều lượng cổ phiếu đã phát hành. Hiện tại, sau giao dịch vừa thực hiện, cổ đông nước ngoài đã nắm hơn 60% cổ phần biểu quyết tại VNG.