Theo SSI Research, lợi nhuận ngành thép 'chạm đáy' vào nửa cuối năm 2022. Ảnh: TL.

 
Nhật Anh Thứ Năm | 08/06/2023 11:15

Lợi nhuận của nhiều ngành được dự báo đã tạo đáy

Nhiều ngành được dự báo đã "chạm đáy" lợi nhuận khi những yếu tố bất lợi đang dần dần qua đi.

Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research, mặc dù lợi nhuận giữa các công ty chứng khoán có sự phân hóa trong quý I/2023, nhìn chung kết quả kinh doanh của ngành chứng khoán vẫn tương đối yếu do mức nền cao trong năm trước.

Trong kịch bản cơ sở, SSI Research kỳ vọng giá trị giao dịch sẽ khó có sự bứt phá cho đến cuối năm do mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường vẫn ở mức hấp dẫn hay dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân có thế vẫn đang mắc kẹt trong các kênh đầu tư khác như bất động sản hoặc trái phiếu trong khi lượng tiền mặt nhàn rỗi từ các doanh nghiệp có phần hạn chế do điều kiện dòng tiền khó khăn. 

 

SSI Research ước tính lợi nhuận của hầu hết các công ty chứng khoán có thể (hoặc đã) chạm đáy trong nửa đầu năm 2023. Rủi ro vẫn còn đối với những doanh nghiệp có liên quan nhiều đến trái phiếu doanh nghiệp vì các khoản phải thu tương đối cao, điều này có thể khiến kết quả kinh doanh kém khả quan. 

Lợi nhuận ngành thép "chạm đáy" vào nửa cuối năm 2022

Đó là đánh giá của SSI Research. Theo tổ chức này, lợi nhuận cuối năm nay của ngành thép có thể quay trở lại tăng trưởng dương so với mức nền thấp nửa cuối năm trước. Tuy nhiên, tỉ suất lợi nhuận có thể duy trì ở mức thấp trong 1-2 quý tới và sản lượng tiêu thụ có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi so với kỳ vọng trước đây, do nhu cầu yếu ở cả thị trường trong nước và khu vực. Do đó, rủi ro lợi nhuận cả năm 2023 thậm chí có thể thấp hơn năm 2022 vẫn có thể xảy ra. 

“Trong năm 2024, lợi nhuận nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp trong năm 2022-2023 nhờ sản lượng tiêu thụ và giá thép cải thiện, nhưng vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2021”, SSI Research nhận định. 

 

Kỳ vọng lợi nhuận quý I/2023 có thể là mức đáy của ngành thủy sản, dệt may

Tình hình lạm phát và nhu cầu suy yếu tại các thị trường xuất khẩu lớn được SSI Research đánh giá sẽ tiếp tục là thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và dệt may. Kết quả kinh doanh của ngành dệt may đạt đỉnh là tại quý III/2022 và ngành thủy sản là tại quý II/2022. Trong quý I/2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của ngành giảm lần lượt là 30-40% so với cùng kỳ và 50-60% so với cùng kỳ. 

“Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận quý I/2023 có thể là mức đáy của các ngành này do giá bán và đơn đặt hàng đều đã ở mức thấp nhất. Hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu đang được tiêu thụ dần nhưng chúng tôi cho rằng mức tiêu thụ vẫn sẽ khiêm tốn cho đến cuối quý III”, SSI Research nhận định. 

Theo SSI Research, đơn đặt hàng có thể dần phục hồi từ quý IV/2023, mặc dù triển vọng tăng trưởng lợi nhuận vẫn chưa chắc chắn. Lợi nhuận sau thuế của các công ty thủy sản dự kiến giảm 30% so với cùng kỳ trong năm 2023, ngoại trừ ANV và FMC (nhờ mở rộng sang các thị trường mới). Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của các công ty dệt may ước tính sẽ giảm 15- 20% so với cùng kỳ trong năm 2023. 

Có thể bạn quan tâm 

Nhóm ngành phục vụ "ăn, mặc, ở" nhen nhóm phục hồi