Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: HND.

 
Nhật Anh Thứ Sáu | 15/07/2022 07:50

Lợi nhuận của Nhiệt điện Hải Phòng tăng mạnh trong quý II

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022.

Theo đó, trong quý II/2022 Công ty đạt mức tăng trưởng mạnh về lợi nhuận sau thuế nhờ việc tiết giảm chi phí. Quý II/2022, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận hơn 2.663 tỉ đồng doanh thu thuần,  tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiệt điện Hải Phòng cho biết mặc dù sản lượng điện thương phẩm thấp hơn cùng kỳ 330 triệu kWh tuy nhiên do giá than tăng cao trong năm 2022 đặc biệt trong quý II/2022 dẫn đến giá PC tăng và doanh thu tăng.

 

Trong khi đó, giá vốn hàng bán quý II/2022 giảm so với quý II/2021 là 64,8 tỉ đồng nguyên nhân chủ yếu do sản lượng điện thực phát giảm so với cùng kỳ năm trước, bên cạnh đó việc giãn khấu hao một số tài sản cũng làm chi phí khấu hao giảm. Theo đó mà biên lợi nhuận gộp của Công ty cũng tăng mạnh lên mức 13,8% trong quý II/2022 so với hơn 10% của quý cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu  từ hoạt động tài chính của Công ty cũng tăng trưởng hơn 21,7% so với cùng kỳ trong quý II/2022 nhờ chênh lệch tỉ giá và lãi tiền gửi cao hơn cùng kỳ. Trong khi chi phí lãi vay lại giảm do dư nợ vay của Công ty giảm dần. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của Nhiệt điện Hải Phòng cũng giảm tới hơn 28,2% trong quý thứ hai của năm 2022. 

Doanh thu tăng trong khi giá vốn hàng bán và các loại chi phí khác giảm đã thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh của Nhiệt điện Hải Phòng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Công ty trong quý II đạt mức tăng trưởng hơn 48,6% trong quý II/2022, tương ứng đạt gần 279,8 tỉ đồng. 

 

Nhìn nhận về ngành nhiệt điện, Trung tâm Phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đánh giá rủi ro thiếu hụt than và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến nhóm nhiệt điện. Quý I/2022 ghi nhận thiếu tới 300 MW nhiệt điện do thiếu hụt than và ảnh hưởng đến nhiều nhà máy như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nghi Sơn, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Theo Agriseco Research, rủi ro thiếu than trong các tháng tới đã khiến các nhà máy phải chủ động tìm kiếm nguồn than nhập khẩu để bổ sung sản lượng thiếu hụt. 

Tuy nhiên, do giá than bị giới hạn bởi EVN, các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thỏa thuận giá với nhà cung cấp nước ngoài để đảm bảo biên lợi nhuận cho các nhà máy. “Mặc dù giá bán đầu ra được EVN bao tiêu và tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành điện được cố định theo các hợp đồng PPA, nhưng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường phát điện cạnh tranh của các nhà máy nhiệt điện than sử dụng nguồn than nhập khẩu và tua bin khí, đồng thời khiến giá mua điện cao. Theo đó các doanh nghiệp thủy điện được hưởng lợi khi giá bán điện cao hơn năm ngoái đồng thời tăng tỉ trọng phát điện trên thị trường cạnh tranh”, Agriseco Research nhận định. 

(*) Hợp đồng mua bán điện (PPA) là thỏa thuận giữa hai bên, trong đó nhà cung cấp điện sẽ cung cấp một lượng điện đã thỏa thuận cho người tiêu dùng, thường được truyền qua lưới điện công cộng.

Có thể bạn quan tâm 

Trồng chuối, nuôi heo, Hoàng Anh Gia Lai ước lãi sau thuế 531 tỉ đồng