Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: TL.

 
Nhật Anh Thứ Tư | 03/04/2024 17:47

Lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phục hồi tốt?

Kỳ vọng các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lấy lại được tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong quý I/2024 khi nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc hơn.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao. 

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 3/2024 ước đạt 509.300 tỉ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỉ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%).

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3/2024 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ kém khả quan trong quý I/2023 với lợi nhuận toàn ngành sụt giảm đến 87% so với cùng kỳ trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức cầu tiêu dùng sụt giảm. 

Lợi nhuận các doanh nghiệp bán lẻ đã bắt đầu phục hồi từ quý III, quý IV/2023, Agriseco Research kỳ vọng đà phục hồi tiếp tục duy trì và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lấy lại được tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong quý I/2024 khi nền kinh tế đang có các dấu hiệu khởi sắc hơn giúp cải thiện sức cầu đối với các sản phẩm bán lẻ tiêu dùng. 

 

“Mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế sẽ giúp kích thích nhu cầu tín dụng tiêu dùng qua đó thúc đẩy doanh số các nhà bán lẻ. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm thuế VAT sẽ hỗ trợ nền kinh tế nói chung và ngành bán lẻ nói riêng cải thiện sức cầu”, Agriseco Research nhận định. 

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng kỳ vọng ngành bán lẻ sẽ có những tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn khi những tín hiệu vĩ mô đã có dấu hiệu phục hồi tác động tích cực đến sức mua của nền kinh tế. 

Theo KBSV, lãi suất hạ nhiệt nhưng cần thêm thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế. Sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại theo đó cũng giảm lãi suất huy động của mình về mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. Lãi suất cho vay theo đó cũng bắt đầu hạ nhiệt. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề nên tăng trưởng tín dụng còn thấp và các doanh nghiệp vẫn chưa hấp thụ được lượng vốn này. 

KBSV kỳ vọng sau những động thái chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng về việc khơi thông dòng vốn sẽ giúp tăng trưởng tín dụng trở lại, nền kinh tế sẽ bắt đầu hấp thụ được dòng vốn để thúc đẩy tăng trưởng. 

Có thể bạn quan tâm 

Độ lạc quan của các nhà sản xuất lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2022