Lợi nhuận cao nhờ xuất khẩu chôm chôm trái vụ
Bước đầu, sản phẩm trái cây đặc sản này xuất khẩu chưa nhiều, mới chỉ khoảng 300 tấn mỗi năm. Dù vậy 3 năm qua, nhiều nhà vườn ở vùng chuyên canh cây ăn trái huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã thu đạt lợi nhuận cao nhờ xuất bán chôm chôm vào thị trường Mỹ.
Xử lý cho chôm chôm ra trái mùa nghịch không dễ, thế nhưng với giá trị lợi nhuận cao gấp nhiều lần từ việc xuất bán chôm chôm sang Mỹ mùa nghịch so với mùa thuận đã hấp dẫn nhiều nông dân chuyển dần tập quán sản xuất.
Chôm chôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bằng máy bay, với cước phí trên 3,7 USD/kg, nên giá thành khá cao, khoảng 6,5 USD/kg. Trong khi các nước Mexico và Guatemala xuất bán chôm chôm vào Mỹ rất gần nơi tiêu thụ, có thể vận chuyển bằng đường bộ, chi phí thấp nên chôm chôm Việt Nam càng khó cạnh tranh. Chính vì vậy, chôm chôm nghịch vụ trở thành lối ra cho các nhà xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây Tiên Phú, Châu Thành, Bến Tre chia sẻ: "Bà con ở đây sẽ thay đổi thời vụ, tức là từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, bà con sẽ xuất theo vụ mùa đó, lúc đó thì thị trường các nước không có, hàng Việt Nam bán được giá tương đối sang thị trường Hoa Kỳ, giá cao gấp 3 lần so với mùa thuận".
Hiện tại, giống chôm chôm được thị trường Mỹ chuộng nhất là chôm chôm Thái, đây là một khó khăn lớn đối với nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long, bởi hầu hết diện tích chôm chôm trồng phổ biến trong dân là chôm chôm Java có xuất xứ từ Indonesia. Vì vậy, để giữ vững thị trường Mỹ, các địa phương và nhất là Bến Tre đang tìm thêm giống chôm chất lượng để khuyến khích nhà vườn mở rộng diện tích, đảm bảo cung cấp liên tục với số lượng lớn.
Nguồn VTV