Thứ Tư | 08/10/2014 10:03

Lỗi ghi sai nhãn hàng, chuyện không nhỏ với doanh nghiệp xuất khẩu

Việc ghi sai nhãn thường bị quy về hành vi gian lận thương mại, và lô hàng khó có thể lọt vào thị trường, doanh nghiêp phải chịu chế tài nghiêm khắc.
Mới đây, Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga Rosselkhoznadzor ngày 6/10 thông báo hơn 25 tấn philê cá tra đông lạnh của Việt Nam cập Cảng Lớn ở thành phố St. Petersburg đã bị áp dụng hạn chế tạm thời. Lô hàng này, sản xuất tại Nhà máy có mã DL308 của Tổng Công ty Hùng Vương (HV Corp.), nhập khẩu vào Nga. Toàn bộ lô hàng bị cấm nhập khẩu và làm thủ tục tái xuất.

Theo thông tin mới nhất từ đại diện của công ty Thủy sản Hùng Vương trả lời trên truyền thông thì "Lô hàng bị ách tắc không phải do vấn đề chất lượng mà là do khâu in ấn bao bì bị in sai. Sau khi được phía cơ quan chức năng Nga thông báo, Hùng Vương đã khắc phục, đồng thời giải quyết xong vụ việc và hiện nay hàng đã vào Nga".

Nếu vụ việc đã được giải quyết xong như tuyên bố trên thì đây đúng là tin đáng mừng cho doanh nghiệp Hùng Vương.

Tuy nhiên việc in sai và ghi sai bao bì, nhãn hàng lại không phải là một lỗi đơn giản và cũng không dễ giải quyết. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không nên coi nhẹ vấn đề này.

Các thị trường lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Nga,.. đều có những quy định và chế tài hết sức nghiêm ngặt về việc ghi nhãn. Việc ghi sai nhãn thường bị quy về hành vi gian lận thương mại, và lô hàng khó có thể lọt vào thị trường, chưa kể sau đó là các chế tài xử phạt nghiêm ngặt áp lên doanh nghiệp.

Nga, một trong những thị trường lớn của hàng nông thủy sản Việt Nam, cũng có những quy định riêng về ghi nhãn thực phẩm.

Việc ghi nhãn thực phẩm của Nga thay đổi đáng kể trong năm 2013 với việc áp dụng từ ngày 1/7/2013, quy định mới của Liên minh Thuế quan với một loạt các quy định về ghi nhãn thực phẩm, kể cả yêu cầu về ghi tên sản phẩm, thông tin về thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng, vv… Các nhà sản xuất thực phẩm phải kiểm tra quy định mới để loại bỏ mọi thiếu sót về ghi nhãn có thể xuất hiện sau ngày 1/7/2013 do việc tiếp tục sử dung nhãn cũ.

Những quy định mới về công bố thông tin cho người tiêu dùng có hiệu lực tại Nga từ 9/7/2012. Quy định mới nêu rõ việc ghi nhãn thực phẩm phải đưa ra mô tả chính xác về sản phẩm, nước sản xuất, thông tin về nhà sản xuất, chỉ định sử dụng, hướng dẫn an toàn, những bảo đảm, quy trình khiếu nại đối với nhà sản xuất. Thông tin phải dễ hiểu với ngôn ngữ rõ ràng.

Với EU, theo Chỉ thị 2000/13/EC về ghi nhãn của Ủy ban châu Âu, người tiêu dùng phải nhận được tất cả thông tin cần thiết về thành phần, nhà sản xuất, phương pháp bảo quản và chế biến, vv….

Nhãn thực phẩm phải rõ ràng, in bằng mực không tẩy được và phải dễ nhìn thấy, dễ hiểu và dễ đọc. Mọi chất/hợp chất được biết đến là chất gây dự ứng phải luôn luôn được ghi rõ trên nhãn (danh sách EU về chất gây dị ứng hoặc chất gây khó chịu – Phụ lục IIIa).

Nhãn hàng phải nêu rõ định lượng các thành phần tính theo tỷ lệ phần trăm của thành phẩm. Bên cạnh đó, nhà sản xuất có thể bổ sung thông tin ghi nhãn nếu những thông tin này là xác thực và không khiến người tiêu dùng hiểu lầm.

Tại Mỹ, Luật Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm Mỹ (FDA) ban hành vào năm 1938, cho đến nay vẫn được coi là các quy định chủ chốt về thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm và thiết bị y tế tại nước này.

Thậm chí các quy định mới của Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) sẽ được Cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Mỹ (FDA) đưa vào áp dụng từ nay đến đầu năm 2016.

Các quy định mới trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm cho hàng hóa đòi hỏi chi tiết hơn, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trên mỗi sản phẩm phải tuân thủ đầy đủ kể từ cách thức ghi nhãn.

Ngoài một số yêu cầu chung phải đáp ứng đầy đủ như tên loại sản phẩm, trọng lượng, thành phần nguyên liệu, tùy theo từng mặt hàng mà Luật Hiện đại an toàn thực phẩm còn có quy định riêng.

Cụ thể, ngôn ngữ ghi trên nhãn sản phẩm phải dùng song ngữ, trong đó tiếng Anh là bắt buộc và phải chú ý khâu dịch thuật cần chuẩn xác. Trước kia, tùy theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, ngoài tiêu chuẩn chung của thị trường, doanh nghiệp sẽ được yêu cầu hàng hóa đảm bảo đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn chứng nhận khác do bên thứ ba cấp.

Theo quy định mới, các công ty nhập khẩu của Mỹ phải tiến hành xác minh các nhà cung cấp nước ngoài, đảm bảo họ thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm theo hướng phòng ngừa và đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tương đương tiêu chuẩn của các nhà sản xuất và chế biến tại Mỹ. Các đơn vị thẩm định an toàn thực phẩm của nước ngoài cũng nằm trong phạm vi quy định này.

Các doanh nghiệp sẽ phải xác định các mối nguy có thể xảy ra đối với từng loại thực phẩm, ghi chép và lưu trữ tư liệu để phục vụ quá trình thẩm định. Các cơ sở đã được FDA chứng nhận sẽ tiến hành hoạt động thẩm định.

Đây là lần đầu tiên FDA chính thức có quy định về điều này. FDA không quy định doanh nghiệp phải có chứng nhận cho sản phẩm, nhưng theo quy định mới, chứng nhận có thể được FDA sử dụng khi xác định có nên cho phép nhập khẩu một số loại thực phẩm có nguy cơ cao vào Mỹ hay không.

Quy định ghi nhãn của nước nhập khẩu là vậy, nhưng đôi khi do sơ xuất hoặc chưa hiểu rõ quy định nên hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam thường bị lưu giữ tại cảng nhập khẩu chỉ vì những lý do do “lẫn tạp chất”, ghi nhãn sai, không khai báo thông tin điện tử theo yêu cầu… Trong đó, nguyên nhân đầu tiên và phổ biến nhất là do quy cách ghi nhãn không chính xác, sao chép nhãn sai của doanh nghiệp khác, chỉ tuân thủ theo một phần của luật về ghi nhãn, câu cảnh báo sức khỏe trên nhãn không được cho phép, thiếu bảng thành phần dinh dưỡng trên nhãn…

Còn nhớ trước đây, năm 2006 một sự việc hy hữu đã xảy ra với ngành thủy sản Việt Nam. Đó là Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản - thực phẩm An Giang kiêm giám đốc Xí nghiệp đông lạnh thủy sản Afiex Bửu Huy đã bị ba cảnh sát quốc tế (Interpol) tại Bỉ câu lưu vì tòa án Mỹ cáo buộc "cố tình" dùng sai tên sản phẩm cá để trốn thuế.

Việc ông Bửu Huy bị câu lưu tại Bỉ là theo yêu cầu từ phía Mỹ sau khi Phòng Chưởng lý bang Florida truy tố 8 doanh nghiệp và cá nhân (Việt Nam và Mỹ) về tội gian lận thương mại và trốn thuế. Bản cáo trạng của Phòng Chưởng lý cho biết từ tháng 5/2002 đến tháng 4/2005, Hải quan Mỹ đã tịch thu trên 250.000 pound (hơn 110 tấn) các sản phẩm cá tra, cá ba sa mà nhóm các cá nhân và doanh nghiệp này chuyển vào Mỹ dưới tên khác.

Mặc dù cuối cùng vụ việc cũng kết thúc có hậu với quyết định từ chối dẫn độ của Bỉ và sau đó là thông báo xóa bỏ các cáo buộc với cá nhân ông Bửu Huy, nhưng cũng tiêu tốn rất nhiều thời giờ, tiền bạc và sự lo lắng của doanh nghiệp.

Như vậy có thể thấy việc ghi nhãn mác và lỗi ghi sai nhãn mác không hề là việc nhỏ khi hàng của Việt Nam đi ra thế giới.

Nguồn Theo DVO/Gafin


Sự kiện