Hàng ngàn xe chở nông sản ùn ứ tại các tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh trở thành vấn đề cả nước quan tâm

 
Hoàng Hà Thứ Hai | 27/12/2021 08:41

Lời cảnh tỉnh của nông nghiệp

Thay vì chạy theo thành tích xuất khẩu, cần một tư duy mới về cả chuỗi cung ứng và giá trị nông sản của Việt Nam.

Tuần qua, hàng ngàn xe chở nông sản ùn ứ tại các tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh trở thành vấn đề cả nước quan tâm. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với khoảng hơn 6.000 xe đang mắc kẹt, tổng giá trị hàng hóa tổn thất hơn 3.000 tỉ đồng. Đáng quan tâm hơn là thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp buộc dừng hoặc giảm sản lượng thu mua khiến nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp thỏm vì hàng ngàn tấn nông sản không có đầu ra.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhìn nhận: “Đây là lần ùn tắc hàng hóa lớn nhất trong nhiều năm qua, một sự kiện để cảnh tỉnh với chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam”.

Quy trình đóng gói chuối xuất khẩu.
Quy trình đóng gói chuối xuất khẩu. ẢnhL Quý Hoà

Tình trạng ùn ứ nông sản Việt Nam ở các cửa khẩu Trung Quốc đã xảy ra nhiều lần vì nhiều lý do nhưng lần này bộc lộ rõ nhất những hạn chế lớn của hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. “Trước đây, thường chỉ xảy ra ùn tắc với thanh long, dưa hấu, hoặc chuối, nhưng giờ thì tất cả các mặt hàng đều không qua được biên giới. Thị trường Trung Quốc đã thực sự thay đổi, họ không chỉ đưa ra lý do chống dịch COVID-19 mà đã cấm nhập khẩu tiểu ngạch. Họ không còn là thị trường dễ tính như trước nữa”, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, phân tích.

Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc chúng ta cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc, bằng đường chính ngạch chứ không chỉ đi qua trung gian tiểu ngạch nhiều rủi ro nữa. Mà muốn đi theo đường chính ngạch, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, đóng gói, an toàn vệ sinh... cũng như các yêu cầu khác để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn ngày càng cao của Trung Quốc.

Khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng phần nào giải đáp “nghịch lý” của nông nghiệp Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, mục tiêu xuất khẩu của ngành nông nghiệp về đích trước 1 tháng, đạt 43 tỉ USD. Tuy nhiên, giá trị thặng dư xuất khẩu lại đang giảm tới một nửa so với năm trước. Sản lượng cao, chi phí cũng cao, giá trị gia tăng không tăng tỉ lệ thuận với con số về xuất khẩu, thu nhập của nông dân giảm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: “Ùn ứ hàng hóa bộc lộ nhiều vấn đề cần giải pháp tổng thể chứ không dừng lại từng sự vụ, sự việc”. Những vấn đề đó nhiều năm qua được nhắc đi nhắc lại, đó là phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, chưa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chưa chế biến sâu gia tăng giá trị xuất khẩu...

Về giải pháp, trong đề án Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang dự thảo, xuất khẩu nông sản sẽ được đa dạng hóa thị trường dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Mỹ, Nhật, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)... Tổng trị giá xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến trên thế giới lên tới 2.200 tỉ USD/năm cho thấy dư địa cho nông sản Việt Nam còn rất lớn. Riêng với thị trường Trung Quốc cũng sẽ có đề án riêng, trong đó tiếp tục đàm phán mở rộng cho các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch, đầu tư hạ tầng logistics ở các cửa khẩu như kho trữ lạnh, chế biến, đóng gói, bao bì nhãn hiệu...

Chinh phục thị trường nội địa với gần 100 triệu người tiêu dùng cũng phải được chú trọng trong chiến lược nông nghiệp bền vững. Nhiều vấn đề sẽ phải được hoàn thiện cho bài toán này, từ tổ chức thị trường trong nước tốt hơn, chuẩn hóa mã số vùng trồng, vùng nuôi, đến quảng bá, xúc tiến thương mại, hạ tầng logistics... Ngoài ra, tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản thay vì chỉ xuất khẩu nông sản thô, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro khi đứt gãy chuỗi cung ứng.

Từ kinh nghiệm xuất khẩu của mình, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, cho rằng Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản rất lớn nhưng chưa biết cách làm gia tăng giá trị. Vinamit vừa nhận 4 bằng sáng chế do Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp cho hàng loạt thức uống đông khô làm từ rau củ, trái cây nội địa. Công ty đang chuẩn bị hạ tầng, nhân lực để bán hàng trên nền tảng số, mục tiêu 5 năm tới phục vụ hơn 50 triệu người tiêu dùng thành viên, trong đó 30 triệu người Việt và 20 triệu khách quốc tế.

Bài học của Vinamit cho thấy tầm quan trọng của công nghệ tập trung vào chế biến sâu, công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên mọi thị trường. Quá trình phục hồi và phát triển kinh tế phải gắn liền với cơ hội tái cơ cấu nền nông nghiệp theo một tư duy mới. “Cần làm rõ nhu cầu thị trường tiêu thụ nông sản trong nước để đề ra giải pháp chứ không chỉ nêu bật những thành tựu xuất khẩu. Phải làm sao để người tiêu dùng trong nước có niềm tin với sản phẩm nông nghiệp nội”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khuyến cáo.