Hiện đại hoá dịch vụ logistics bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý. Ảnh: TL.

 
Trọng Hoàng Thứ Năm | 05/10/2023 11:59

Logistics Việt Nam - Con đường phía trước

Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước” do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất tại châu Á trong 30 năm qua, với mức tăng trưởng GDP đầu người năm 2022 là 4.100 USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài tính đến 20/9/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 20,21 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn luôn là ‘ngôi sao sáng’ thu hút đầu tư tại Đông Nam Á.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng tầm giá trị chuỗi cung ứng của nhà sản xuất và đây chính là thời cơ vàng để tăng GDP của vùng. Đặc biệt vừa qua trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đã mang đến thỏa thuận về hợp tác toàn diện, và phát triển thị trường sản xuất công nghệ cao và bán dẫn giữa 2 quốc gia. Với các đặc điểm địa lý thuận lợi, cũng như cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính Phủ, có thể nói Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút loạt “ong chúa” đến làm tổ và đóng góp hơn nữa vào GDP Việt Nam.

Những con số ấn tượng cùng những dự báo từ các tổ chức quốc tế cho thấy tiềm năng của logistics tại Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư có tầm nhìn và tiềm lực mạnh. Trong đó, cơ sở hạ tầng là một phần tất yếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường logistics. Theo PwC, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng và đang chi khoảng 5,7% GDP cho lĩnh vực này…

Theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14 - 16%, quy mô 40 - 42 tỉ USD/năm.

Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… tại Việt Nam.

Với chủ đề “Logistic Việt Nam – Con đường phía trước”, Hội nghị Logistic 2023 thu hút hơn 300 khách mời là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics, các doanh nghiệp sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau hiện đang thuê nhà xưởng và kho bãi, các đơn vị tư vấn đầu tư. Ngoài ra, Hội nghị Logistic 2023 cũng có sự tham dự của lãnh đạo Sở Công Thương, đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp – khu kinh tế tại các vùng kinh tế trọng điểm; đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế…

Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam tăng nhanh về số lượng. Ảnh: TL
Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước. Ảnh: TL.

Phát biểu tại Hội nghị Logistic Việt Nam 2023, ông Lê Trọng Minh Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết: “Hội nghị Logistic Việt Nam 2023 mong muốn sẽ tìm ra những ý tưởng hay để góp phần làm cho con đường phía trước của thị trường logistics Việt Nam trở nên thênh thang hơn, bằng phẳng hơn, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.”

Cùng chia sẻ quan điểm này ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành Công ty SLP Việt Nam cho biết: “Hội nghị Logistic Việt Nam hôm nay không chỉ đơn thuần là một sự kiện, mà là cơ hội quy tụ các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn từ các ngành nghề khác nhau cùng ngồi lại để giúp định hình tương lai của ngành logistics tại Việt Nam. Qua đây, chúng ta có thể cùng mở đường cho sự đổi mới, hiệu quả hơn và tăng trưởng bền vững bằng cách thúc đẩy nhiều hơn nữa mối quan hệ hợp tác và cùng chia sẻ trí tuệ tập thể”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để đạt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề. Thứ nhất về cơ chế chính sách, thứ hai về phát triển kết cấu hạ tầng, thứ ba về phát triển nguồn nhân lực, thứ tư về phía các doanh nghiệp logistics. Thực hiện được đồng bộ, hiệu quả các giải pháp này, tôi tin rằng, ngành logistics Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai”, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

Nhằm nhận diện một cách rõ ràng các xu hướng, cơ hội và thách thức trước những thay đổi này, Hội nghị Logistics 2023 sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu về các động lực tăng trưởng cho ngành logistics, các vấn đề cung - cầu và những thay đổi trong xu hướng thuê kho vận, nhà xưởng tại Việt Nam hiện nay, xu hướng phát triển các dịch vụ logistics hiện đại, logistics xanh, hướng đến phát triển bền vững; đánh giá những cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa bài toán chi phí - lợi ích nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh…

Có thể bạn quan tâm:

Thế lưỡng nan của điện mặt trời