Thách thức khác cho các doanh nghiệp Việt là chi phí logistics của Việt Nam lại cao, chiếm khoảng 20% GDP. Ảnh: Quý Hòa

 
Ngọc Thủy Thứ Sáu | 17/12/2021 08:00

Logistics: Cú hích ecommerce

Ứng dụng kỹ thuật số để tối ưu hóa cả vận hành lẫn chi phí là xu hướng sắp tới của ngành logistics.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics với mục tiêu đến năm 2025 đóng góp 10% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn); đến năm 2030, tỉ lệ đạt 12%.

Hệ sinh thái logistics

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLBA) cho thấy, các doanh nghiệp logistics đang chịu nhiều tác động xấu từ dịch bệnh, khiến doanh thu giảm 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, có khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu và hơn 50% doanh nghiệp giảm 10-30% số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, COVID-19 được coi là chất xúc tác cho sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp logistics. Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, cho biết hiện nhóm logistics chiếm 8,6% GRDP của TP.HCM, là ngành có vai trò hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư.

 

Thực tế, TP.HCM có hàng chục ngàn doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics, nhưng theo khảo sát, đa số làm dịch vụ cho nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 20% thị phần.

Thách thức khác cho các doanh nghiệp Việt là chi phí logistics của Việt Nam lại cao, chiếm khoảng 20% GDP, trong khi các nước phát triển thì chi phí này chỉ chiếm dưới 10-12%/năm, theo Armstrong & Associates (Mỹ). Tỉ lệ giao hàng không thành công khoảng 10%. Tất cả cho thấy mô hình vận chuyển logistics truyền thống tại Việt Nam đang dần lạc hậu.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, sắp tới, TP.HCM sẽ xây dựng các trung tâm logistics vận tải, kho hàng, các dịch vụ hỗ trợ... tại Long Bình, Cảng Cát Lái, Tân Kiên, Long Phước. Đồng thời, Thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nền tảng ứng dụng chung với dữ liệu lớn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao quy trình sản xuất...

Theo ông Jeffrey Tan, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp và công nghệ của YCH Group (Singapore), các lĩnh vực kinh doanh logistics tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế đối với các công ty logistics nước ngoài muốn mở rộng kinh doanh và việc tự do hóa ngành logistics vẫn còn khá xa. Vì vậy, ngoài việc tập trung cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam còn phải tăng cường đầu tư hạ tầng hậu cần và kho bãi để xây dựng một hệ sinh thái logistics hoàn thiện, có năng lực kết nối khu vực. 

Mũi nhọn ecommerce

Ông Hardy Diec, Giám đốc Điều hành, FedEx Express Indochina, cho biết, Chính phủ Việt Nam đang tạo nhiều điều kiện để đến năm 2025, 50% dân số trên cả nước sẽ mua sắm online. Vì thế, thương mại điện tử dự báo sẽ còn bùng nổ. “Theo tôi, việc có một đối tác logistics với mạng lưới phủ rộng trên toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp đi nhanh hơn và cũng sẽ trở thành một trong những yếu tố cạnh tranh”, ông Hardy Diec nói.

Ông Thomas Tieber, Giám đốc Điều hành của DHL Global Forwarding tại khu vực Đông Nam Á, cũng chia sẻ: “Chi tiêu trong thương mại điện tử của người tiêu dùng và thương mại điện tử B2B được dự đoán sẽ tăng 70% vào năm 2027, đồng thời gia tăng thêm nhu cầu về các giải pháp logistics trọn gói tận nơi”.

 

FedEx Express đã tận dụng lợi thế công nghệ, bao gồm các phương tiện hỗ trợ bởi máy tính, robotics, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để tối ưu hóa cả vận hành lẫn chi phí. Hãng cũng xây dựng được các ứng dụng công nghệ như SenseAware (theo dõi vận đơn), FedEx Surround (quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng trong thời gian thực)... giúp vận hành mượt mà và giám sát nhà kho hiệu quả hơn. Ở Việt Nam, FedEx còn đưa ra nhiều giải pháp điện tử và tự động hóa như FedEx Electronic Trade Documents.

Ở phân khúc khác, BEST Express cũng luôn lấy công nghệ làm nền tảng, để tối ưu hóa hiệu suất, tiết kiệm chi phí, mang đến trải nghiệm trọn vẹn hơn. Ông Nelson Wu, CEO BEST Express, cho biết, toàn bộ 30 trung tâm phân loại lớn, nhỏ của BEST tại Việt Nam, trong đó có trung tâm Bắc Ninh và Củ Chi (TP.HCM) quy mô lớn nhất Đông Nam Á, đều được trang bị công nghệ tự động tốc độ cao. Các băng chuyền tự động có thể cho công suất phân loại mỗi giờ lên đến 50.000 bưu kiện; tương đương trong một ngày có thể xử lý đến 1,8 triệu kiện hàng trên toàn hệ thống.

Theo dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chuyển đổi kỹ thuật số là nhân tố chính trong lĩnh vực logistics và sẽ chiếm 1,72 ngàn tỉ USD trong các khoản đầu tư được phân bổ vào lĩnh vực logistics tính đến năm 2025. Trước khi cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng diễn ra, UPS đã đầu tư 1 tỉ USD mỗi năm vào công nghệ và đổi mới từ thực tế tăng cường (AR) đến robot tự động và máy bay không người lái.

Tập đoàn này vừa khai trương Trung tâm Đổi mới Châu Á Thái Bình Dương nhằm mang đến các công nghệ và giải pháp thế hệ tiếp theo cho cuộc sống của khách hàng.

Trung tâm đổi mới sáng tạo Châu Á Thái Bình Dương của UPS
Trung tâm đổi mới sáng tạo Châu Á Thái Bình Dương của UPS.

Theo ông Philippe Gilbert, Chủ tịch Toàn cầu của UPS Supply Chain Solutions, cho biết: "Gần hai năm gián đoạn do đại dịch đã gây ra những thay đổi rất lớn trong cách các công ty và người tiêu dùng tìm nguồn cung và giao nhận hàng hóa, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các xu hướng đã âm ỉ từ lâu như việc ứng dụng thương mại điện tử và tiêu dùng tại nhà".

Điều này đặc biệt phù hợp với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà các công ty đang tăng cường đầu tư vào công nghệ tự động hóa kho bãi nhằm nâng cao năng suất và gia tăng lợi nhuận.

Một số doanh nghiệp thương mại điện tử như Lazada, Shopee cũng đã lập các công ty hậu cần và phát triển mạng lưới giao hàng riêng. Hay song hành với Nhất Tín Logistics còn có Nhất Tín Express (NTX), ra đời để phục vụ nhu cầu của các sàn thương mại điện tử, chủ shop bán hàng online (B2C) và các nhà sản xuất bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng (D2C - Direct-to-Consumer), từ đó tối ưu trải nghiệm mua hàng.

Ông Nguyễn Công Khương, Tổng Giám đốc của NTX, cho biết, điểm mới của NTX là sự xuất hiện của các “Bưu cục di động” (Mobile Post Office) với khả năng di chuyển theo định tuyến, chia chọn, phân tuyến hàng hóa trực tiếp ngay trên xe, thực hiện quy trình xuất nhập kho qua ứng dụng di động. 

Sắp tới, ngành logistics sẽ còn ứng dụng nhiều công nghệ mới và tiếp tục chuyển đổi để trở nên thân thiện với môi trường hơn. Ông Hardy Diec khuyên các doanh nghiệp Việt cần tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số - yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và góp phần giúp doanh nghiệp có được sự chuẩn bị tốt cho tương lai.