Cánh đầu mẫu lớn của Lộc Trời.

 
Thanh Hằng Thứ Tư | 16/01/2019 08:00

Lộc Trời theo đuổi gạo SRP có rủi ro?

Hơn cả việc đảm bảo chất lượng cho hạt gạo, SRP còn đảm bảo sức khỏe cho người nông dân và cải thiện môi trường.

Chuyến bay đến Dubai cuối năm 2018 của Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thòn khép lại năm 2018 với cơ hội tăng gấp đôi diện tích trồng gạo SRP. Không xa lạ trong việc phát triển chuỗi giá trị ngành gạo với dự án cánh đồng mẫu lớn, Lộc Trời lại đang thử nghiệm phương thức canh tác SRP trên lúa gạo nhằm cải thiện cả giá trị và tính bền vững cho loại nông sản thiết yếu này.

Tuy gạo là loại nông sản thiết yếu nuôi sống một nửa dân số toàn thế giới, trong đó có người Việt, gạo lại có giá trị rất thấp so với các loại nông sản khác. Điều này tạo nên rào cản áp dụng các tiêu chuẩn như VietGap, GlobalGap hay hữu cơ (organic) đại trà trên lúa gạo vì việc chứng nhận, kiểm định sẽ cộng thêm chi phí trung gian rất lớn. Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Lúa gạo Bền vững (SRP), một liên minh đa phương do Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) cùng Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) thành lập, đã cho ra đời giải pháp canh tác lúa gạo bền vững SRP.

Loc Troi theo duoi gao SRP co rui ro?
 

Bao gồm tám nhóm tiêu chí chấm điểm, SRP hướng đến việc giảm thiểu tác động môi trường của việc trồng lúa, các loại phân bón và nông dược sử dụng hợp lý trong lúc người nông dân được bảo hộ lao động đúng cách. Vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bộ tiêu chí, nên trong giai đoạn này, tại những nơi thí điểm, SRP nhấn mạnh quá trình tiến đến canh tác bền vững hơn là cột mốc để đánh giá mức độ bền vững.

Trong khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến vùng trồng lúa, từ đó gây tác động tiêu cực lên những nông hộ, đặc biệt là những hộ nghèo, thì lúa cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên biến đổi khí hậu. “Việc trồng lúa thải ra khí methane tương đương với lượng carbon mà nước Đức thải ra”, ông Sunney Verghese, nhà sáng lập của Olam nói. Những tập quán canh tác chú trọng đến môi trường như việc thu gom rơm rạ thay vì đốt đồng có thể giảm khí methane đến 70%. Tuy nhiên, thay đổi tập quán canh tác của người nông dân cần có thời gian. “Vẫn có những điểm liệt khi nông dân đốt rơm rạ trên đồng vào mùa nắng ráo”, kỹ sư của Lộc Trời dẫn chứng.

Chính thức khởi động từ năm 2015, phương thức canh tác gạo bền vững SRP vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện trên phạm vi toàn cầu. Nhận thức được tầm quan trọng của tương lai lúa gạo bền vững, các nhà kinh doanh nông sản lớn trên thế giới như Olam, MarFoods, Phoenix đã sớm gia nhập diễn đàn.

Cho đến nay, Lộc Trời là doanh nghiệp Việt duy nhất đang thực nghiệm SRP. Đội ngũ hơn 1.300 kỹ sư của Công ty vừa tập huấn, vừa túc trực ngay tại ruộng để hỗ trợ người nông dân hiểu và thay đổi tập quán canh tác cho phù hợp với tiêu chuẩn. Các khoản khác cho nông dân như : bảo hộ lao động , thùng chứa thuốc bảo vệ thực vật , thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bảng cảnh báo ngoài đồng ruộng... đều được Công ty trang bị. Để tạo động lực, Lộc Trời mua giá cao hơn mức thị trường đối với những ruộng có điểm SRP cao hơn, mức thưởng càng cao khi điểm càng cao.

Loc Troi theo duoi gao SRP co rui ro?
 

Qua bốn vụ lúa, đã có những cánh đồng nguyên liệu của Lộc Trời tiệm cận điểm bền vững SRP. Từ đó, diện tích trồng lúa SRP của Công ty tăng dần từ 3.000ha trong năm 2016, lên đến toàn bộ vùng nguyên liệu 11.000ha vào năm 2019. Vai trò tiên phong trong việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo của Lộc Trời không dễ dàng, khi giai đoạn đầu, Công ty phải bù lỗ hằng năm, có năm đến 240 tỉ đồng, mức bù gấp đôi dự kiến cho dự án này. Tuy đã có lời trong năm 2018 nhưng biên lợi nhuận rất thấp của toàn ngành gạo, tối đa chỉ 5%, đặt Lộc Trời trước bài toán phát triển những sản phẩm sau hạt gạo có giá trị gia tăng cao, mới có thể chia sẻ lợi nhuận và thay đổi vị thế của người nông dân như triết lý kinh doanh mà công ty theo đuổi.

“Làm gạo bền vững SRP đòi hỏi sự hợp tác của nhiều phía, từ người nông dân đến người tiêu dùng”, ông Thòn tâm sự. Tương tự, ông Sunney Verghese cho rằng: “Để đạt đến mục tiêu trung tính về carbon vào năm 2050 thì cần tái tạo toàn bộ chuỗi cung ứng gạo của thế giới” mới không làm tổn hại đến nông dân và cộng đồng trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của bà Nguyễn Hoàng Diễm My, Đại học Ghent, cũng cho thấy người tiêu dùng đánh giá cao đối với gạo sản xuất bền vững khi họ được thông tin đầy đủ về chứng chỉ và nguồn gốc sản phẩm.

Chặng đường phía trước còn rất dài, liệu giấc mơ về ngành lúa gạo bền vững có thành hiện thực?