vietbao.vn
Lộc Trời lên UPCoM: Vì sao được định giá cao?
Một trong những thương vụ niêm yết đáng chú ý nhất nửa cuối năm nay trên thị trường chứng khoán là việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chính thức chào sàn UPCoM vào ngày 24.7. Giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên không hề rẻ khi ở mức 55.000 đồng/cổ phiếu, tức đưa giá trị vốn hóa lên đến 3.700 tỉ đồng. Liệu con số định giá này có hợp lý trong bối cảnh ngành nông nghiệp nói chung và Lộc Trời nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức khắc nghiệt?
Tham vọng chuỗi giá trị
Tiền thân của Lộc Trời là Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang, ra đời vào năm 1993 với số vốn chỉ 750 triệu đồng. Từ một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông dược là chủ yếu, đến năm 2010, Lộc Trời mở rộng sang lĩnh vực lương thực thực phẩm và giống, tạo thành một chuỗi kinh doanh hoàn chỉnh. Dù vậy mảng thuốc bảo vệ thực vật vẫn là nguồn đóng góp chính vào kết quả hoạt động của Công ty.
Năm 2016, mảng nông dược mang lại cho Lộc Trời 4.800 tỉ đồng, chiếm 60% cơ cấu doanh thu. Mảng gạo chiếm vị trí thứ 2 với tỉ trọng 28%, tiếp tục đi xuống so với đỉnh điểm vào năm 2014. Trong năm 2016, ngành hàng lương thực chỉ mang lại 5% tổng lợi nhuận gộp cho Công ty, trong khi mảng nông dược đóng góp đến 85% lợi nhuận gộp. Chiến lược đầu tư đa dạng hóa sản phẩm của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Huỳnh Văn Thòn xem ra vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Đã có nhiều lo ngại về việc phân tán đầu tư của Lộc Trời trong thời gian qua, nhưng không thể phủ nhận Lộc Trời vẫn đang sở hữu những lợi thế rất lớn trong ngành nông nghiệp. Đó là thương hiệu mạnh, uy tín, chuỗi phân phối rộng khắp cả nước với 5.000 điểm bán, trong đó có cả hệ thống bán lẻ Co.opmart, Vinmart, Fivimart, siêu thị trực truyến Vuivui.com, cùng xuất khẩu sang 37 quốc gia trên thế giới.
Trên mảng nông dược, bên cạnh các sản phẩm tự sản xuất, Lộc Trời là một trong hai doanh nghiệp nội địa được phép phân phối các sản phẩm nông dược của tập đoàn Thụy Sĩ Syngenta (năm ngoái đã bán lại cho Tập đoàn Hóa chất Trung Quốc ChemChina). Ở mảng lương thực, Lộc Trời đang sở hữu 5 nhà máy chế biến gạo, các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, đồng thời sở hữu cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 91.000ha cùng đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Thực tế, nếu so với các doanh nghiệp khác, hiệu quả kinh doanh của Lộc Trời đang ở mức khá cao. Theo chuyên gia phân tích Trương Sĩ Phú của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, hiện Lộc Trời đứng đầu trên thị trường thuốc bảo vệ thực vật với doanh thu hơn gấp đôi so với công ty đứng thứ 2 là Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam, đồng thời tỉ lệ lợi nhuận biên gộp cũng cao hơn so với các đối thủ khác trong ngành. Chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2016 lên đến 16% dù mảng lương thực vẫn đang là gánh nặng. “Khi Lộc Trời ngày càng mở rộng mảng gạo, thị trường thuốc bảo vệ thực vật và giống của Công ty sẽ càng hưởng lợi”, ông Trương Sĩ Phú nhận định.
Các cổ đông lớn của Lộc Trời hiện là Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang (24,15% cổ phần), Marina Viet (25,21%), Quỹ đầu tư tư nhân SCPE (8,18%) và Mekong Capital (6,07%). Có thể việc niêm yết cổ phiếu sẽ giúp cho các cổ đông này chuyển nhượng cổ phiếu, nhất là các khoản đầu tư đã tương đối lâu. Theo DealStreetAsia đưa tin, cổ đông ngoại là Mekong Capital đã đạt được thỏa thuận để thoái vốn khỏi Lộc Trời tại mức giá 68.000 đồng/cổ phiếu. Việc bán cổ phần sẽ diễn ra sau khi Lộc Trời lên sàn UPCoM.
Nỗ lực hóa giải thách thức
Giấc mơ hoàn thành chuỗi giá trị ngành lúa gạo của ông Huỳnh Văn Thòn từng vấp phải sự phản đối từ các nhà đầu tư lớn do rủi ro cạnh tranh lớn hơn và tỉ suất sinh lợi thấp hơn so với mảng nông dược. Năm 2014, hai cổ đông lớn là VinaCapital và DWS Việt Nam đã thoái toàn bộ 34% cổ phần. Bên nhận chuyển nhượng là Quỹ SCPE khi chi ra 92 triệu USD để mua lại, đưa Lộc Trời được định giá ở mức 267 triệu USD (tương đương với hơn 5.800 tỉ đồng, tức cao hơn 50% so với hiện nay). Năm 2016, SCPE đã chuyển nhượng 25,21% vốn cho Marina Viet.
Thực tế sau khi đạt đỉnh điểm vào năm 2014, doanh thu của Công ty có chiều hướng đi xuống, ngay cả trên phân khúc nông dược do cạnh tranh quá khốc liệt từ hơn 300 doanh nghiệp trên thị trường và các sản phẩm nhập khẩu có giá rẻ ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Chỉ riêng doanh thu từ mảng bán thuốc trừ sâu của Công ty đạt 4.170 tỉ đồng, trong khi các mảng khác đều thấp.
Với doanh thu phụ thuộc nhiều vào mảng thuốc trừ sâu, Lộc Trời có nhiều rủi ro và cần thay đổi cơ cấu này. Bởi vì, xu hướng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu sẽ đối diện với thách thức về ô nhiễm môi trường và trở thành rào cản của phát triển nông nghiệp xanh. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt cũng gây ra nguy cơ lớn cho ngành nông nghiệp nói chung và mảng bảo vệ thực vật của Lộc Trời nói riêng.
Đối với các mặt hàng nông sản như lúa gạo, cà phê, ngô... do mới xuất hiện trên thị trường nên Lộc Trời phải mất nhiều công sức để làm thương hiệu cũng như len lỏi vào các hệ thống phân phối và xuất khẩu. Mặc dù vậy, áp lực cạnh tranh vẫn rất khốc liệt, do bên cạnh so găng với các doanh nghiệp nội địa như Gạo Cỏ May, Lộc Trời còn vấp phải sức ép cạnh tranh từ các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ và gần đây là 2 hiện tượng mới nổi Myanmar, Campuchia.
Mặc dù vậy, cơ hội tăng tốc cho Lộc Trời vẫn khá sáng sủa nếu biết phát huy nội lực và tận dụng được xu thế phát triển. Hiện ngành nông nghiệp trong nước đang được tổ chức lại theo mô hình hiện đại sử dụng công nghệ cao có quy mô lớn. Ngày càng nhiều các tập đoàn lớn tham gia vào ngành như Trường Hải, Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Geleximco, Him Lam... đang mang đến những cơ hội mới cho Lộc Trời nhờ kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, dù ngành bảo vệ thực vật khó tăng mạnh trong thời gian tới nhưng cơ hội cho những doanh nghiệp lớn như Lộc Trời vẫn thông qua việc mở rộng thị phần, kinh doanh các sản phẩm nông dược có chất lượng cao hơn. Đồng thời, xu thế đầu tư vào nông nghiệp ngày càng nhiều từ các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ mang đến cơ hội cung cấp các giải pháp và vật tư cho Công ty. Điển hình mới đây, Trường Hải đã chọn Lộc Trời làm đối tác tham gia dự án nông nghiệp trị giá 7.800 tỉ đồng tại Thái Bình.
Trước đó, vào tháng 5, Lộc Trời tuyên bố hợp tác với đối tác Trung Quốc là Công ty Phát triển Khoa học Viện Thị để nghiên cứu giống và xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Việc hướng đến thị trường đông dân như Trung Quốc được xem là bước đi có nhiều tiềm năng, tạo lực đỡ tăng trưởng cho Lộc Trời, hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2021.
Cuối năm ngoái, Lộc Trời cùng với World Bank, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế và Diễn đàn Lúa gạo bền vững Quốc tế (SRP) đã ký kết hợp tác chương trình áp dụng Bộ tiêu chuẩn quốc tế SRP cho 4.000 hộ nông dân với mục tiêu tạo thành chuỗi giá trị lúa gạo có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đồng thời tạo thêm cơ hội cho các sản phẩm của Lộc Trời đi vào các thị trường khó tính ở châu Âu và Bắc Mỹ. Vì thế, lên sàn UPCoM sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho thương hiệu lớn trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam như Lộc Trời.
Sơn Nguyễn