Ông chủ nhà hàng Xiong Fei. Ảnh: Bloomberg

 
Vũ Hạo Thứ Năm | 16/04/2020 16:29

Loạt nỗi lo mới của doanh nghiệp Vũ Hán sau khi dỡ bỏ lệnh phong toả

“Chắc chắn sẽ có nhà hàng bị đào thải”, ông Xiong Fei cho biết. “Thị trường chỉ theo chọn lọc tự nhiên và chỉ có công ty thích nghi nhất tồn tại”.

Thách thức thay đổi hành vi của khách hàng

Sau hơn 2 tháng yên vị trong nhà, phần lớn người dân tại Vũ Hán giờ đã được tự do đi ra ngoài, khi số lượng ca nhiễm mới giảm xuống chỉ còn vài ca trong 1 tuần. Thế nhưng, đối với ông chủ nhà hàng Xiong Fei, việc chấm dứt lệnh phong tỏa tại Vũ Hán - nơi dịch COVID-19 bùng phát - chẳng hề khiến ông nhẹ nhõm tí nào, trái lại còn tạo ra hàng loạt thách thức mới.

Trong lúc các nhà máy khắp Vũ Hán đang làm việc cật lực để đẩy nhanh sản xuất, thì các doanh nghiệp tập trung vào người tiêu dùng như nhà hàng của ông Xiong vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi.

Mặc dù người dân đã ra đường trở lại trong tâm thái cẩn trọng, nhưng họ vẫn còn bị chính quyền hạn chế di chuyển (nhằm ngăn chặn lây lan virus). Các cư dân được khuyến khích ở nhà và vẫn phải kiểm tra thân nhiệt trước khi bước vào bất kỳ tòa nhà nào.

Nói cách khác, mọi thứ còn lâu mới trở lại bình thường. Đáng lưu tâm hơn, các chủ doanh nghiệp nhỏ như ông Xiong đang lo sợ lệnh phong tỏa đã làm thay đổi hành vi khách hàng, có lẽ là mãi mãi.

“Trước đây, người dân ra ngoài ăn trưa với đồng nghiệp, nhưng giờ họ mang theo đồ ăn đến công ty”, ông buồn rầu nói khi đang ngồi tại một bàn ăn trong nhà hàng Sichuan. “Nhiều khả năng họ sẽ nấu ăn tại nhà hơn là ăn ngoài”.

Một đầu bếp ngủ gục trong cửa hàng. Vì đại dịch, nhà hàng chỉ bán thức ăn mang đi. Nguồn: Bloomberg
Một đầu bếp ngủ gục trong cửa hàng. Vì đại dịch, nhà hàng chỉ bán thức ăn mang đi. Nguồn: Bloomberg

Trong số 10 nhà hàng mà công ty của ông Xiong - Bainianfeng Catering Management - vận hành trước khi đại dịch bùng phát, chẳng có nhà hàng nào mở cửa đón khách hàng ăn tại chỗ và chỉ có 3 nhà hàng bán thức ăn mang đi. Trước tình cảnh ế ẩm, ông quyết định đóng cửa vĩnh viễn 3 nhà hàng trong số này.

Hiện vị doanh nhân 40 tuổi này và các đối tác đang cố gắng tìm phương án làm ăn trong dài hạn. Phân nửa nhà hàng của Bainianfeng bán các món lẩu, tại đây nhóm khách hàng nấu thịt và rau sống trong một nồi nước lẩu - một nơi mà khách hàng có khả năng tránh lui tới trong đại dịch. “Sẽ có sự sụt giảm mạnh về nhu cầu”, ông Xiong cho biết.

Trải nghiệm của ông Xiong hé lộ phần nào về tương lai bất định mà các doanh nghiệp nhỏ trên thế giới phải đối mặt sau khi các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ. Mặc dù nhiều người kỳ vọng mọi thứ rồi sẽ trở lại như trước khi dịch bùng phát, nhưng sự chật vật của các doanh nghiệp tại Vũ Hán cho thấy không dễ dàng như thế được.

Nỗi sợ tái phát dịch bệnh

Từng là trung tâm sản xuất thép và xe hơi sầm uất, giờ Vũ Hán vẫn còn chìm đắm trong nỗi lo sợ tái phát dịch bệnh. Các công ty đang phải xét nghiệm nhân viên trước khi họ được phép trở lại làm việc và phải khử trùng cơ sở hàng ngày. Nếu một khách hàng hoặc người lao động bị nhiễm virus, doanh nghiệp thường phải đóng cửa trở lại và cách ly trong vài tuần - một điều mà thậm chí các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ càng nhất cũng không thể dự đoán được.

Một nhà hàng trong trung tâm mua sắm phải đóng cửa. Ảnh: Bloomberg
Một nhà hàng trong trung tâm mua sắm phải đóng cửa. Ảnh: Bloomberg

Đây là một vòng xoáy căng thẳng và lo lắng cứ đeo bám lấy tâm trí ông Xiong kể từ ngày 23.1 - thời điểm chiếc điện thoại của ông reo lên vào 2h sáng với thông tin: Vũ Hán sẽ phong tỏa trong 8 giờ để kiểm soát dịch bệnh.

Trong khi nhiều người dân đã tháo chạy khỏi Vũ Hán, thì ông Xiong và gia đình chưa bao giờ tính tới chuyện đó. Ông sinh ra ở Vũ Hán và doanh nghiệp của ông đang rơi vào tình thế khó khăn, thử hỏi làm sao ông có thể rời đi. “Tôi biết các nhà hàng sẽ bị tác động nặng nề nhất”, ông nói. “Tôi cũng lo lắng về tình trạng sức khỏe của nhân viên”.

Thích nghi với bối cảnh mới

Phần lớn nhà hàng của ông Xiong đã đóng cửa trước khi Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh phong tỏa, khi những lời đồn đoán rằng dịch bệnh bí ẩn sẽ giết chết hơn 2.500 người ở Vũ Hán đã lan truyền rộng rãi kể từ cuối tháng 12.2019. Đóng cửa nhà hàng là một quyết định đau đớn khôn tả, khi công ty ông phải lãng phí lượng thức ăn tươi sống trị giá đến 1 triệu nhân dân tệ (tương đương 142.000 USD).

Đầu bếp phun alcohol lên những thực phẩm đã được đóng gói. Nguồn: Bloomberg
Đầu bếp phun alcohol lên những thực phẩm đã được đóng gói. Nguồn: Bloomberg

Khi việc cách ly bắt đầu, Bainianfeng - cũng giống như các nhà hàng khác từ New York cho đến Sydney - sẽ chuyển sang giao thức ăn tận nhà. Thế nhưng, Vũ Hán đã chuyển thành thành phố ma sau 1 đêm, và ông Xiong buộc phải tìm cách để nhập nguồn và vận chuyển nguyên vật liệu - vốn ngày càng đắt đỏ khi nguồn cung dần cạn kiệt. Trong khi đó, nhân viên của ông đã giảm rất nhiều vì phần lớn quá sợ đi làm hoặc bị buộc ở nhà. Các nhân viên còn lại dành phần lớn thời gian để làm vệ sinh căn bếp trong suốt thời gian phong tỏa.

Trước khi dịch bùng phát, vào cuối tuần khách hàng phải chờ đến 40 phút để có chỗ ngồi tại một trong những nhà hàng của ông Xiong. Thế nhưng trong bối cảnh phong tỏa, nếu may mắn, ông chỉ có khoảng 20% đơn đặt hàng so với bình thường thông qua các ứng dụng giao thức ăn như Ele.me của Alibaba Group và Meituan Dianping - một công ty do Tencent hậu thuẫn.

Để thu hút thêm thực khách, 3 nhà hàng còn hoạt động của ông Xiong đang triển khai giao thực phẩm đến bất kỳ địa điểm nào tại Vũ Hán, thậm chí cho dù phải mất đến hàng giờ đồng hồ để giao. Các nền tảng trực tuyến chiếm 20% doanh thu, nhưng ông không dám tăng giá vì khách hàng sẽ phàn nàn, ông Xiong chia sẻ.

Một nhân viên quét dọn trong một khu trung tâm mua sắm vắng tanh. Nguồn: Bloomberg
Một nhân viên quét dọn trong một khu trung tâm mua sắm vắng tanh. Nguồn: Bloomberg

Ông Xiong cũng chịu áp lực trả tiền thuê nhà - vốn đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Trong năm 2019, tiền thuê nhà khiến lợi nhuận của ông giảm 3 triệu nhân dân tệ. Năm nay, vị doanh nhân này cho rằng lợi nhuận sẽ giảm thêm 2 triệu nhân dân tệ vì tình trạng phong tỏa. Tổng chi phí hoạt động của các nhà hàng lên khoảng 50.000 nhân dân tệ/ngày, ông nói, trong đó khoảng 23.000 nhân dân tệ là tiền thuê nhà. Ông phải sa thải ít nhất 40 nhân viên.

Ông Xiong đang tìm các cách mới để giúp công ty tồn tại sau đại dịch. Đặt cược vào xu hướng đặt thức ăn giao tận nơi, ông bắt đầu nhập khẩu máy đóng gói thực phẩm công nghệ cao từ Đài Loan để bán cho các nhà hàng khác. Bên cạnh đó, vị doanh nhân này cũng cố gắng bắt đầu livestream nấu ăn với người bà con (từng là người mẫu).

“Chắc chắn sẽ có nhà hàng bị đào thải”, ông nói. “Thị trường chỉ theo chọn lọc tự nhiên và chỉ có công ty thích nghi nhất tồn tại”.

Nguồn Bloomberg