Loại bỏ dự án thủy điện hiệu quả thấp tại Tây Nguyên
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai chuyên đề rà soát, đánh giá lại quy hoạch phát triển các công trình thủy điện gắn với việc sử dụng đất đai, tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm không gian sinh sống của đồng bào các dân tộc ở các vùng dự án ở khu vực Tây Nguyên.
Trước mắt, tỉnh Đắk Lắk đã chấm dứt chủ trương đầu tư 7 dự án thủy điện nhỏ như thủy điện sông Hin 3, Ea Sol 2, Ea PPuch 1, Krông Năng 4...
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, trên các hệ thống sông chính của Tây Nguyên như sông Ba, Sê San, Sêrêpốk, Đồng Nai có đến 287 dự án thủy điện, với tổng công suất 6.991,8 MW, trong đó, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng đưa vào vận hành phát điện 84 dự án, đang xây dựng 50 dự án phấn đấu hoàn thành từ nay đến năm 2015 và đang nghiên cứu đầu tư 87 dự án, còn lại 66 dự án thủy điện nhỏ chưa cho phép đầu tư.
Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc phát triển thủy điện trên địa bàn Tây Nguyên đã có những tác động tiêu cực đến vấn đề môi trường sinh thái cũng như có nhiều bất cập đến xã hội, nhất là đụng chạm đến vấn đề đất đai, việc làm, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, nhiều công trình thủy điện lớn và vừa như Plei Krông (Kon Tum), An Khê-Kanak (Gia Lai), Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Sêrêpốk 4... vẫn chưa giải quyết dứt điểm công tác đền bù, tái định cư cho đồng bào các dân tộc. Chỉ riêng công trình thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 còn nợ tiền đền bù của các hộ dân trên 22 tỷ đồng.
Các công trình thủy điện còn gây nên nhiều tác động xấu về môi trường, xã hội như việc chuyển dòng để tăng hiệu suất phát điện của công trình thủy điện An Khê-Kanak, Đạ Nhim, Thượng Kon Tum gây nên thiếu nước cho sản xuất và đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng hạ lưu.
Nguồn vietnamplus