Lo trắng tay vì hãng tàu Hàn Quốc sụp đổ
Hàng ngàn container hàng hóa đang bị mắc kẹt trên tàu của hãng Hanjin có nguy cơ mất trắng.
Nhiều doanh nghiệp (DN) bày tỏ lo lắng như trên tại buổi làm việc với đại diện hãng tàu Hanjin Shipping tại Việt Nam, do Bộ GTVT và Bộ Công Thương tổ chức ngày 23-9 tại TP.HCM.
Thiệt hại rất lớn
Không khí đã nóng ngay từ đầu buổi làm việc khi các chủ hàng, DN xuất nhập khẩu liên tục yêu cầu đại diện hãng tàu Hanjin tại Việt Nam đứng dậy trả lời phương án tháo gỡ khó khăn cho họ.
Đại diện một công ty nhập khẩu thức ăn gia súc cho hay đang ngồi trên đống lửa vì có đến 142 container hàng thuê Hanjin vận chuyển mắc kẹt ở cảng Busan của Hàn Quốc. Giá trị mỗi container khoảng 5.000 USD.
“Chúng tôi đang bế tắc không biết tính ra sao, chỉ còn trông cậy vào sự tác động của cơ quan nhà nước. Nếu không lấy được hàng, chúng tôi vừa mất tiền, mất hàng vừa phải đền bù hợp đồng với khách hàng vì không có hàng để giao, thiệt hại rất lớn” - đại diện công ty trên lo lắng.
Ông Đào Trọng Khoa, Giám đốc Công ty T&M Forwarding, cũng cho biết đang kẹt hàng ở cảng Singapore. Trong đó riêng chi phí lưu kho ở đây mỗi ngày mất 40 USD cho mỗi container hàng loại nhỏ và 80 USD cho mỗi container lớn. Tính từ lúc hãng tàu này nộp đơn xin phá sản, hàng hóa của công ty bị kẹt lại đã ba tuần, như vậy riêng chi phí lưu kho đã tốn 800-1.600 USD cho mỗi container hàng.
Ông Khoa nói: “Nếu tính thêm chi phí rút ruột, bảo quản hàng đông lạnh, nhân công… thì mỗi container hàng phải chịu thêm 2.000-3.000 USD. Nếu thời gian hàng lưu kho tại cảng tiếp tục kéo dài thì thiệt hại càng lớn”.
Không riêng gì các công ty xuất nhập khẩu mà các cảng biển khai thác container cũng chung số phận. Đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nói qua thống kê cho thấy số nợ của hãng tàu Hanjin đối với đơn vị lên tới 55 tỉ đồng.
Đau đầu nhất là phía công ty mẹ của Hanjin ở Hàn Quốc đã nộp đơn phá sản ra tòa án. Do đó đại diện của hãng tàu này ở Việt Nam không thể ký xác nhận công nợ nên rất khó để tổng công ty đòi được quyền lợi khi tòa án Hàn Quốc tuyên bố Hanjin phá sản.
Ngoài ra, rất nhiều công ty khác cũng bị thiệt hại vì hãng Hanjin. Như Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 thuộc Cảng VICT cho biết Hanjin đang nợ khoảng 80.000 USD. Hanjin cũng nợ Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng hơn 67.000 USD, nợ Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải hơn 1,5 tỉ đồng...
Cần lập tổ xử lý khủng hoảng
Trước những thiệt hại, khó khăn mà công ty xuất nhập khẩu Việt Nam phản ánh, đại diện hãng tàu Hanjin tại Việt Nam cho rằng “đây là sự cố ngoài ý muốn”. Đơn vị đã và đang phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Hàng hải để thông tin kịp thời tình hình hàng hóa và hỗ trợ DN rút hàng kịp thời. Các công ty có thể thuê, mượn container của Hanjin để tiếp tục vận chuyển.
Tuy nhiên, theo đại diện Hanjin tại Việt Nam, cảng đi và cảng đích thì Hanjin có thể giải quyết nhưng ở các cảng chuyển tải thì mắc kẹt vì họ không cho cập cảng, hoặc nếu cập cảng thì có thể bị giữ tàu và giữ luôn container hàng.
“Hiện tại Hanjin đã hỗ trợ một số công ty xuất khẩu có hàng tại cảng đích đến trong việc rút hàng ra khỏi container. Chúng tôi cũng hỗ trợ chứng từ giúp DN Việt ở cảng chuyển tải có thể đưa hàng vào kho ngoại quan rồi mới rút ruột ra” - đại diện Hanjin nói.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), nhận xét Hanjin Việt Nam hiện không có quyền gì mà phụ thuộc vào Hanjin Hàn Quốc và chờ tòa án nước này định đoạt. Từ đó ông Hiệp đề nghị nếu có tàu hàng nào của Hanjin đến Việt Nam thì các cảng nên hỗ trợ DN tiếp nhận tàu với chi phí dịch vụ hợp lý nhất.
Bởi nếu để tàu này quay sang cảng Singapore thì chi phí DN phải chịu thêm rất lớn. Lý do chi phí kho bãi rút hàng rất đắt, ngoài ra phải tốn thêm chi phí thuê tàu hàng khác chở về cảng Việt Nam.
“Với trường hợp DN kẹt hàng ở cảng Busan của Hàn Quốc, hiệp hội đã giới thiệu một số đơn vị tại nước này rút hàng, lưu kho bãi để vận chuyển về Việt Nam. Nếu thời gian quá lâu, chi phí quá lớn thì sẽ tìm đối tác tại Hàn Quốc mua lại số hàng trên” - ông Hiệp nói.
Ông Hoàng Hoài An, đại diện Hiệp hội Chủ hàng Hà Nội, kiến nghị nên thành lập tổ xử lý khủng hoảng cho các DN xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng từ vụ Hanjin phá sản vì có thể xảy ra nhiều trường hợp tương tự trong tương lai. Tổ sẽ là đầu mối cung cấp thông tin và có cách giải quyết tập trung cho DN.
Tiếp nhận đề nghị này, ông Nguyễn Đình Việt, Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết Cục sẽ theo dõi tình hình tàu biển, container… để giúp DN giải phóng hàng nhanh chóng. Cục cũng đã thành lập đường dây nóng tại các cảng vụ hàng hải nhằm cập nhật thông tin DN, tiếp nhận đề xuất.
“Chúng tôi sẽ đề nghị thành lập đầu mối xử lý vụ Hanjin phá sản gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ GTVT và cả Bộ Ngoại giao. Qua đó hỗ trợ, giúp công ty xuất nhập khẩu Việt Nam” - ông Việt nói.
Tàu Hanjin không dám cập cảng Việt Nam Theo thông báo của Hanjin, có 23 tàu đỗ gần cảng của 23 quốc gia ở trong tình trạng neo đậu tạm thời mà không được tháo dỡ hàng hóa vì bị cảng từ chối tiếp nhận. Tại Singapore, ba tàu của hãng này đã bị tạm giữ. Tại Việt Nam, tàu Hanjin Chennai đang neo đậu ngoài khơi vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Trên tàu chở hơn 800 container hàng từ ngày 1-9 đến nay. Phía Tân Cảng Sài Gòn đã đồng ý cho tiếp nhận tàu này để DN tháo dỡ hàng, tuy nhiên thuyền trưởng tàu vẫn sợ bị tạm giữ nên chưa dám cập cảng. Dự kiến cuối tuần này tàu sẽ cập cảng sau khi phía cảng Việt Nam thuyết phục. Rơi vào hỗn loạn Sự sụp đổ của Hanjin, tập đoàn vận tải biển khổng lồ của Hàn Quốc, đứng thứ bảy thế giới đã khiến ngành vận tải biển thế giới rơi vào hỗn loạn, gây ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có DN Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Việt, Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam, dẫn nguồn từ báo cáo của đại diện hãng tàu Hanjin tại Việt Nam cho hay tính đến ngày 6-9 có khoảng 3.270 container hàng hóa của Việt Nam chưa thể về nước hoặc chưa thể hoàn thành việc xuất khẩu. Nên thuê luật sư Hàn Quốc Theo một số luật sư Hàn Quốc, các DN Việt đang là chủ nợ của hãng tàu Hanjin nên nộp hồ sơ sang tòa án Hàn Quốc từ ngày 20-9 đến hết 4-10-2016 để bảo đảm quyền lợi của mình. Các công ty Việt Nam cũng cần chuẩn bị hồ sơ lẫn tài chính để thuê luật sư Hàn Quốc, qua đó có thể kiện Hanjin vì vụ việc sẽ xử theo luật của Hàn Quốc. Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG NGÂN, Giám đốc Công ty Luật TNHH Tâm Chung |
Nguồn PLO