Gian hàng của Nhựa Duy Tân. Ảnh: TL

 
Thanh Hương Thứ Tư | 08/04/2020 14:00

Lo phá sản, doanh nghiệp tính kế "sống chung" với virus

Không thể phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp lên phương án phục hồi kinh doanh...

SME "thấm đòn" vì virus

Trước Tết, trung bình 1 tháng trang trại của ông Phan Tân, Đồng Tháp thu về trung bình 4-5 tỉ đồng/tháng từ việc bán gia cầm. Tuy nhiên, từ 2 tháng nay ông Tân lỗ gần 2 tỉ đồng/tháng vì dịch COVID-19, khách hàng trong nước giảm, còn những đơn hàng xuất khẩu Trung Quốc tạm ngưng. “Tôi có thể chịu được tình hình này đến 2 tháng nữa, sau đó phải dẹp kinh doanh nếu dịch kéo dài”, ông Tân chia sẻ. 

Trang trại gia cầm của ông Tân vốn là 1 trong 10 trang trại lớn nhất khu vực miền Tây, chuyên cung cấp gà, vịt nguyên con ra thị trường, với khoảng 50.000 con/tháng. Trong đó, 70% được xuất sang Trung Quốc. Nhưng từ ngày có dịch, Trung Quốc đã ngưng mua, nhưng ông Tân vẫn phải mua nguồn đầu vào từ các hộ nông dân vì chính sách ký hợp đồng bao tiêu trước đó. 

Đầu tháng 3 đến nay, ông Tân bắt đầu giảm đàn và tìm cách hạn chế chi phí hoạt động máy móc, nhà xưởng, xả thịt nguyên con, chấp nhận bán lỗ ra thị trường. “Nhiều trang trại đã phải ngưng hoạt động vì thua lỗ quá nhiều, có trang trại lỗ 4-5 tỉ đồng/tháng, tôi may mắn cắt lỗ và giảm đàn ngay từ tháng 2 nên đến giờ vẫn còn cầm cự được”, ông Tân chia sẻ.

Thuộc top đầu của ngành nhựa gia dụng, Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân ở TP.HCM cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, Duy Tân không mấy lo lắng vì nguyên liệu sản xuất được Công ty nhập từ Hàn Quốc và một số thị trường khác. Tuy nhiên, khi Hàn Quốc cũng bùng phát dịch thì Công ty bắt đầu gặp một số trở ngại về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Đồng thời, ở trong nước người tiêu dùng tăng cường tích trữ hàng hóa thiết yếu trong những ngày dịch bệnh, nên các sản phẩm của Duy Tân bị giảm lượng tiêu thụ. Trước đó từ năm ngoái, Công ty đã gặp khó vì trào lưu hạn chế sử dụng nhựa để bảo vệ môi trường. Nay dịch bệnh càng khiến tình hình thêm ngột ngạt. 

 

Không chỉ Duy Tân, rất nhiều doanh nghiệp cũng “thấm đòn” vì dịch bệnh. Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) gần đây báo cáo khảo sát ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, dựa trên việc khảo sát 1.200 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…

Báo cáo cho thấy dịch COVID-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo đó, gần 74% doanh nghiệp cho biết có nguy cơ phá sản nếu dịch COVID-19 kéo dài 6 tháng do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng…

Rút khỏi "trạng thái chờ"

Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Đặng Hồng Anh, cho rằng doanh nghiệp nên rút khỏi trạng thái chờ đợi bởi doanh thu giảm sút hoặc doanh thu không có sẽ khiến doanh nghiệp sớm mất cân đối thu chi. 

Theo ông, nếu lợi nhuận âm, doanh nghiệp phải chấp nhận lấy quỹ dự phòng để duy trì dòng tiền. Quan trọng là doanh nghiệp cần tồn tại qua khủng hoảng, mất thanh khoản, mất vốn là mất hết. Vấn đề quan trọng nữa là doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng bởi thiếu nguồn lực thì mất cơ hội.

Ở góc độ Hiệp hội, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết Hiệp hội cùng các thành viên đang phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người lao động, tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường.

Cũng theo ông Thân, Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ sớm có chính sách bổ sung đặc biệt nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo ngành ngân hàng xem xét cơ cấu lại các khoản vay, giãn thời gian trả nợ vay; tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng, hoạt động tư vấn, thông tin đến khách hàng về điều kiện tiếp cận vốn vay và trả nợ tín dụng ngân hàng… Ngành tài chính cũng nên xem xét miễn, giãn, giảm thuế và hoàn thuế VAT... cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.

 

Còn theo ông Hồng Anh, nên phân loại các nhóm bị ảnh hưởng nặng và giảm dần. Nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cần phải được thực hiện khẩn cấp và ngay lập tức như miễn, giảm và giãn nợ thuế đến cuối năm 2020, giảm lãi vay đến 5%, thậm chí bằng 0%, giãn nợ vay ngân hàng, tạm dừng đóng các loại bảo hiểm đến cuối năm. Còn lại, những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhẹ hơn có thể được giảm lãi vay ngân hàng từ 1-2%, cơ cấu lại thời gian trả nợ ngân hàng mà không bị chuyển nhóm nợ để có thể tiếp tục vay mới... 

Để ứng phó với tình hình hiện tại, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vinamit, doanh nghiệp vừa phải linh hoạt trong quản trị, nhưng cũng phải luôn chủ động ứng phó với thị trường. Từ kinh nghiệm bản thân, ông Viên cho rằng, doanh nghiệp phải bám sát, cập nhật thông tin diễn biến thị trường để có giải pháp khi có biến động hoặc xuất hiện những nguy cơ, rủi ro.

Doanh nghiệp cũng nên tập trung đẩy mạnh doanh số, tăng thu giảm chi, làm sao biến chuyển những chi phí hằng ngày như lương nhân công, điện, nước… thành những hình thức khoán doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, cần lựa chọn chiến lược sản xuất, kinh doanh phương thức bán hàng theo hướng tăng doanh số, bảo toàn vốn.