Ảnh: Thiên Ân

 
Trực Thanh Thứ Năm | 03/09/2020 13:30

Lỡ nhà ở công nhân, hụt nhà máy Apple

Tin đồn về việc Apple không đặt nhà máy tại Việt Nam và Samsung có thể chuyển nhà máy sang Ấn Độ.

Tin đồn về việc Apple không đặt nhà máy tại Việt Nam và Samsung có thể chuyển nhà máy sang Ấn Độ.

Trước tin đồn Samsung có thể chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ, tập đoàn này đã khẳng định thông tin trên là không đúng. Samsung Việt Nam vẫn luôn giữ vững vai trò quan trọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu của Tập đoàn. 

Thực tế, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất và nghiên cứu của Samsung toàn cầu với khoản đầu tư hàng chục tỉ đô. Ở Việt Nam, Samsung có 4 nhà máy, chiếm đến 36% sản lượng và doanh số của Tập đoàn. Năm 2019, với 59 tỉ USD, Samsung đã đóng góp trên 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ riêng doanh thu của Samsung Thái Nguyên đã lớn gấp 7 lần doanh thu Samsung Ấn Độ, lớn gấp 12 lần Samsung Thái Lan.

Samsung khẳng định vai trò quan trọng của cơ sở sản xuất tại Việt Nam bằng Trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại Hà Nội trị giá 220 triệu USD và đây cũng là cơ sở nghiên cứu lớn nhất của Samsung ở nước ngoài.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, đối tác của Apple vẫn đang tuyển dụng vài chục ngàn công nhân nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Thực tế, Apple chỉ thuê các doanh nghiệp khác gia công sản xuất sản phẩm với 2 nhà sản xuất gia công lớn nhất hiện nay là Foxconn (Đài Loan) và Luxshare (Trung Quốc).

 

Mặc dù vậy, các tin đồn này cũng cho thấy sự cạnh tranh gay gắt giành lấy vị thế thay thế một phần dây chuyền sản xuất công nghệ đang dịch chuyển từ Trung Quốc. Trong cuộc cạnh tranh này, các nước đưa ra nhiều điều khoản ưu đãi chưa từng có. Chẳng hạn, mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố dự án đầu tư gần 1.500 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng, hướng tới trở thành điểm đến hàng đầu trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Chính phủ nước này cũng công bố gói ưu đãi đến 5,5 tỉ USD hỗ trợ 5 công ty sản xuất điện thoại di động có vốn đầu tư lũy kế trên 133 triệu USD trong 4 năm. Theo đó, Foxconn nhanh chóng rót thêm 1 tỉ USD để mở rộng nhà máy sản xuất iPhone tại thị trường tỉ dân này.

Trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, có đến 75% sản phẩm của Apple được sản xuất ở Trung Quốc. Kể từ tháng 6.2019 đến nay, Apple cùng với Foxconn, Luxshare và các đối tác khác mới chỉ chuyển được 5% ra khỏi Trung Quốc (trong đó có sang Ấn Độ và Việt Nam). Theo ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, cơ hội cho Việt Nam chính là ở 70% sản phẩm Apple còn lại vẫn đang sản xuất ở Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, trước cơ hội này, Việt Nam không chỉ cạnh tranh với Ấn Độ mà còn nhiều nước khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia hay Thái Lan... Chẳng hạn, các đối tác sản xuất của Apple, Foxconn và Pegatron cũng đang để mắt đến việc xây dựng các nhà máy mới ở Mexico thay cho Trung Quốc. Mexico nổi lên là một công xưởng mới của thế giới nhờ những ưu thế như thỏa thuận thương mại tự do với Bắc Mỹ, nằm sát nguồn tiêu thụ lớn, chi phí lao động thấp.

Việt Nam phải theo dõi động thái từ các thị trường này để có cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Theo AppleInsider, một trong những vướng mắc khiến Luxshare chưa thể sản xuất iPhone tại Việt Nam có thể chỉ do việc xây dựng khu nhà ở cho 60.000 công nhân gần nhà máy. Chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhưng lại rất lớn trong bức tranh cạnh tranh thu hút các tập đoàn công nghệ, vốn đòi hỏi tính chuyên nghiệp, tuân thủ luật lệ quốc tế rất cao. Không phải những ưu đãi tài chính, mà Apple và các đối tác của họ muốn là môi trường kinh doanh có tính hỗ trợ, chuỗi cung ứng khép kín, đặc biệt trong vấn đề hợp đồng, bảo vệ tài sản trí tuệ và thuê dịch vụ bên ngoài...

Lãnh đạo Intel mới đây cam kết rót thêm một khoản đầu tư lớn nữa để mở rộng sản xuất ở Việt Nam. Nhà máy Intel tại Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trung bình hơn 3,6 tỉ USD/năm. Ông Kim Huat Ooi, Tổng Giám đốc Công ty Intel Products Vietnam, cho biết với khoản đầu tư mới chuẩn bị vào TP.HCM trong thời gian tới, giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ còn tăng nhiều hơn nữa. 

Ảnh: Quý Hòa
Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao Quận 9, TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa

Sau Intel, Samsung, LG, Nokia..., việc đón được nhà máy của Apple sẽ khẳng định vị thế công xưởng mới của Việt Nam. Ông Paul Tonkes, Giám đốc Dịch vụ logistics và công nghiệp của Cushman & Wakefield tại Việt Nam, nhận định Việt Nam vẫn là một trong những đối thủ cạnh tranh nhất về chi phí lao động, giá thuê đất và chi phí xây dựng. Việt Nam lại có thị trường ASEAN với 600 triệu dân và 13 hiệp định thương mại tự do đang thực hiện, mới nhất là EVFTA. Những điều kiện này hoàn toàn có thể giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa công nghệ của thế giới, trong đó có các sản phẩm công nghệ của Apple hay Samsung.

Nhưng thời điểm hiện tại, Việt Nam  rất thiếu cơ sở vật chất, logistics cũng như hạn chế về con người, tiêu chuẩn kỹ thuật. Dù đang có lợi thế từ hội nhập và coi đây là cơ sở để thu hút FDI, nhưng Việt Nam phải luôn duy trì các chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn cho dòng vốn FDI chất lượng cao.

"Việt Nam cần nghiên cứu lại các chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới của thế giới, khi nhiều nước bắt đầu coi trọng ưu đãi về tài chính. Nhiều nhà đầu tư cũng thích ưu đãi tài chính hơn là ưu đãi thuế, bởi ưu đãi tài chính có hiệu lực tức thì, còn ưu đãi thuế phụ thuộc vào quá trình sản xuất - kinh doanh sau này", Giáo sư Nguyễn Mại nhận định.