Thứ Sáu | 07/06/2013 08:13

Lo ngại vỡ quỹ lương hưu

Với chính sách hiện hành, quỹ hưu trí đến năm 2023 thu đủ chi trong năm.
Tại hội thảo bàn về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức tại TPHCM ngày 6/6, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng với chính sách hiện hành, quỹ hưu trí đến năm 2023 thu đủ chi trong năm.

Dự kiến đến năm 2029, quỹ hưu trí hoàn toàn cạn kiệt, mất khả năng chi trả. Mặt khác, tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) gia tăng, gây mất cân đối Quỹ BHXH hiện tại.

Theo ông Huân, hiện nước ta đang nằm trong giai đoạn dân số vàng nhưng 10-15 năm tới, mức độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Nếu không có chính sách quản lý Quỹ BHXH linh hoạt, có chiều sâu, mở rộng đối tượng tham gia thì nguy cơ mất cân đối sẽ diễn ra rất mau chóng.

Một trong những giải pháp được đưa vào Luật BHXH (sửa đổi) lần này là kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu theo từng nhóm đối tượng nam, nữ ngang bằng nhau (62 tuổi), đồng thời nâng thêm năm tuổi đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động.

Một vấn đề khác được ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, phân tích là lương của người nghỉ hưu thấp so với thu nhập khi đang làm việc.

Nguyên nhân do tiền lương đóng BHXH chỉ bằng 57% so với lương thực tế nên dù tỉ lệ hưởng lương hưu quy định khá cao (bằng 75%) nhưng lương thực lãnh lại rất thấp, bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng. Cá biệt, có 2.500 người hiện vẫn nhận lương hưu bằng mức lương tối thiểu.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính nhấn mạnh: "Hiện tại, các doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho người lao động thấp hơn mức lương thực trả. Vì vậy, sau 20 năm làm việc lương hưu của họ vẫn thấp hơn lương tối thiểu. Lúc đó, Nhà nước phải tiếp tục có chính sách chăm lo cho nhóm đối tượng này là điều khó tránh khỏi".

Ngoài ra, theo ông Chính, thời gian qua tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt tiền BHXH khiến quyền lợi người lao động bị thiệt rất lớn, thậm chí bị mất trắng vì chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Trong khi đó, chế tài đối với "tội danh" này lại quá thấp, chẳng khác nào khuyến khích doanh nghiệp vi phạm (mức xử phạt cao nhất là 30 triệu đồng).

Các đại biểu cho rằng cần nâng mức xử phạt thật cao, thậm chí hình sự hóa "tội danh" này mới đủ sức răn đe, thay vì để doanh nghiệp chấp nhận đóng phạt do mức xử phạt quá thấp so với lãi suất ngân hàng. Cụ thể, chế tài do chậm đóng, trốn đóng BHXH, dự kiến trong Luật BHXH (sửa đổi) sẽ bằng ba lần lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH hoặc hai lần lãi suất ngân hàng.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện