Lo ngại nền kinh tế bị FDI thao túng
Theo các số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực FDI có tỷ lệ đóng góp vào GDP có xu hướng tăng lên. Từ tỷ lệ đóng góp 6,3% của GDP trong giai đoạn 1991-1995 đã tăng lên mức trung bình 14,6% trong thời kì 2001-2005 và 19,3% GDP năm 2009.
Đối với kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ đóng góp này còn có xu hướng tăng lên. Năm 2013, Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu đạt gần 150 tỷ USD, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp tới 2/3. Cá biệt có tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) có kim ngạch xuất khẩu tới 24 tỷ USD, tức là vào khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2013.
Xu hướng này cũng còn tiếp tục tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2014 và dự đoán sẽ là xu hướng kéo dài trong cả năm nay.
PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) đánh giá: Nền kinh tế phụ thuộc đáng kể vào khu vực đầu tư nước ngoài vì khu vực này được coi là khu vực tận dụng được nhiều nhất nguồn lực bên ngoài để đưa Việt Nam thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Và việc giảm thiểu tác động vượt trội của khu vực này chưa có giải pháp thích hợp.
PGS.TS. Bùi Tất Thắng cũng khẳng định: Đây là kết quả của tư tưởng dựa vào đầu tư nước ngoài mà thiếu đi chiến lược tiếp nhận hợp lí, đặc biệt là chiến lược đổi mới công nghệ theo hướng tăng khả năng cạnh tranh bền vững và lâu dài cả trên thị trường trong nước và thế giới.
Điều không hay
Theo quan điểm của ông Bùi Tất Thắng, có thể nói sự phụ thuộc quá lớn vào nhà đầu tư nước ngoài có thể là một trong những nguy cơ làm cho đất nước rơi vào trạng thãi bẫy thu nhập trung bình vì sự thao túng đáng kể của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng điều chỉnh chính sách có lợi cho họ.
Đây cũng là những cảnh báo được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập nhiều.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh: Tôi báo động mạnh mẽ việc chúng ta đang rất không hay về FDI. FDI có vai trò quan trọng nhất là chuyển giao công nghệ thì hiện chỉ có 5% FDI chuyển giao công nghệ cao, 15% là loại công nghệ trung bình, còn lại đến khoảng 70% công nghệ kém, lạc hậu, lao động phổ thông. Do đó giá trị gia tăng chỉ tạo ra được khoảng 20% còn giá trị nội địa chỉ khoảng 10%. Như vậy làm sao chúng ta có thể dựa vào FDI để vượt qua khó khăn.
Trong báo cáo tháng 4/2014 “Triển vọng thị trường Việt Nam” với tên gọi: Câu chuyện về hai Việt Nam, Ngân hàng HSBC đã nhận định: “Mặc dù tăng trưởng vốn FDI giải ngân trong năm 2014 vẫn giữ nguyên, chúng tôi tin rằng mô hình kinh tế hiện tại được dẫn dắt bởi hoạt động đầu tư đến từ nước ngoài sẽ không bền vững, đặc biệt là khi những cải cách đối với thị trường tài chính vẫn còn đứng yên.”
TS. Lưu Bích Hồ nói: Tôi đề nghị xoay chuyển lại tình trạng này, phải hội nhập trên cơ sở dựa trên sức mạnh của chúng ta gắn với sức mạnh của hội nhập quốc tế từ nguồn vốn, con người cho đến thể chế.
"Cần chấn chỉnh, hoàn thiện việc thu hút FDI theo đúng mục tiêu chiến lược, tập trung mạnh vào chuyển giao công nghệ tiên tiến hiện đại, bảo vệ môi trường, đạt hiệu quả tổng thể cao, góp phần tích cực tăng tiềm lực và nội lực kinh tế đất nước. Ngoài ra, cần khắc phục, phòng tránh nguy cơ khu vực FDI lấn át khu vực kinh tế trong nước. TS. Lưu Bích Hồ kiến nghị.
Nguồn Báo Hải Quan Online