Lo ngại đối tác sẽ nhập tôm từ Indonesia và Ấn Độ
Trao đổi với TBKTSG Online bên lề Hội nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản diễn ra ngày 3-6, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, kể từ khi áp dụng chế độ kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh Oxytetracyline (OTC) với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam thì số lượng lô tôm bị phát hiện chỉ tiêu này vượt mức cho phép không hề giảm đi.
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NNPTNT), Oxytetracycline là kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản. Nguyên do tôm nuôi của Việt Nam bị thị trường Nhật và EU cảnh báo về hàm lượng Oxytetracycline là do có tình trạng lạm dụng thuốc trong quá trình nuôi và không tuân thủ việc ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo quy định.
Cũng theo Vasep, người nuôi không thể kiểm tra dư lượng thuốc nên sử dụng không như quy định. Hơn nữa, nhiều ao tôm ngay sau khi sử dụng OTC liền thu hoạch ngay vì không thể phục hồi đàn tôm sau khi đã dùng thuốc. Những điều này khiến dư lượng kháng sinh OTC trong tôm rất cao.
Trong 2 tháng qua, nhiều lô tôm từ Việt Nam xuất qua Nhật bị trả về vì bị phát hiện dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép; hoặc nếu thông qua được nhưng sau đó chủ hàng Nhật tự kiểm tra, thấy không an toàn nên đã chuyển trả lại.
Mặc dù thiệt hại từ những lô hàng bị trả về là rất lớn, nhưng theo Vasep, điều đáng lo ngại hơn chính là việc các nhà nhập khẩu Nhật Bản đang đánh giá cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng Indonesia và Ấn Độ bởi họ đã có ngay hành động khắc phục triệt để khi mặt hàng tôm xuất khẩu gặp sự cố.
“Hiện tại, các nhà nhập khẩu Nhật Bản đang cân nhắc chuyển qua mua tôm từ Indonesia và Ấn Độ. Điển hình là nhiều nhà nhập khẩu từ Nhật Bản đang tiến hành hướng dẫn nhà máy bên Ấn Độ làm các sản phẩm tôm thay thế cho các đơn hàng đang mua từ Việt Nam” – ông Dũng quan ngại.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, để giúp cho các doanh nghiệp giữ được khách hàng tại hai thị trường nhập khẩu lớn nhất hiện nay là Nhật Bản và EU, đồng thời, để bảo vệ hình ảnh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, Vasep kiến nghị Bộ NNPTNT, Tổng cục Thủy sản chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan quản lý địa phương có biện pháp kiểm tra dư lượng kháng sinh OTC tại ao nuôi và đối chiếu với nhật ký nuôi để có khuyến cáo, xử lý tình trạng lạm dụng kháng sinh.
Đồng thời, cần có biện pháp khoa học về tác dụng cũng như mức độ cần thiết sử dụng OTC cùng các biện pháp thay thế cho việc điều trị bệnh tôm để có quy định, hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi và cụ thể đến người nuôi tôm nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi, giúp người nuôi vừa phòng được bệnh cho tôm vừa không bị rủi ro có dư lượng kháng sinh cao…
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm 2014 vẫn đạt gần 950 triệu đô la Mỹ, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.