Lo lắng vì địa chỉ ngân hàng
Gần đây Tổng cục Thuế ban hành một công văn “nhắc” rằng các hóa đơn, chứng từ hợp pháp được sử dụng trong khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng phải có đủ thông tin, trong đó phải có tên và địa chỉ của ngân hàng phục vụ người trả/người thụ hưởng.
Hướng dẫn này làm rất nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng về khả năng không được khấu trừ, hoàn thuế, thậm chí DN đã khấu trừ, hoàn thuế xong thì cũng lo lắng khả năng bị phạt vì chứng từ không đủ thông tin. Trong nhiều năm qua, dù có quy định ghi địa chỉ nhưng thực tế khi ghi ủy nhiệm chi, DN thường không ghi đầy đủ tên và địa chỉ của ngân hàng mà chỉ ghi vắn tắt tên chi nhánh ngân hàng mà thôi.
Đáng nói là cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 46/2014 hướng dẫn dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng từ ngày 1-3-2015, trong đó không yêu cầu ghi địa chỉ của ngân hàng trên ủy nhiệm chi nữa. Điều này cho thấy thông tin địa chỉ của ngân hàng là không cần thiết trên các ủy nhiệm chi. Thực tế thời gian qua thông tin này cũng không phục vụ hoạt động thanh toán của DN nên lâu nay DN cũng không quan tâm đến. Như vậy, việc DN không ghi địa chỉ ngân hàng cũng nên được xem là một việc bình thường, không nhất thiết phải “chế tài” bằng cách không cho khấu trừ, hoàn thuế.
Mặt khác, sau khi có hướng dẫn của Tổng cục Thuế thì nhiều DN đã nhớ ghi địa chỉ ngân hàng trên ủy nhiệm chi. Oái oăm một nỗi DN ghi địa chỉ thì ngân hàng lại không chấp nhận! Một DN phản ánh: Công ty tôi lập ủy nhiệm chi có địa chỉ ngân hàng người thụ hưởng và địa chỉ của ngân hàng phát hành, đầy đủ như hướng dẫn nhưng Ngân hàng Ngoại thương (VCB) và Ngân hàng Công Thương (VietinBank) đã không đồng ý thanh toán với ủy nhiệm chi như vậy. Lý do ngân hàng giải thích là họ đã đăng ký mẫu ủy nhiệm chi với Ngân hàng Nhà nước từ lâu nay rồi và trên mẫu không có các thứ địa chỉ này, bây giờ ghi thêm vào thì không phù hợp với mẫu đã đăng ký, không thanh toán được.
Có lẽ Tổng cục Thuế cần có một văn bản hướng dẫn lại về việc ghi hay không ghi địa chỉ ngân hàng để các DN bớt lo lắng và cũng bớt chỏi giữa các cơ quan quản lý với nhau!
Nguồn Pháp luật TPHCM