Nhiều doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ từ đầu tư chứng khoán. Ảnh: Quý Hoà

 
Sơn Nguyễn Thứ Năm | 04/08/2022 07:30

"Lỗ đen" chứng khoán

Nhiều doanh nghiệp “ăn đau” khi mang tiền nhàn rỗi đầu tư chứng khoán.

Hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, thủy sản, thép ghi nhận các thương vụ lỗ kỷ lục khi dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư chứng khoán. Licogi 14, chẳng hạn, ghi nhận khoản lỗ tài chính trong quý II lên tới 379 tỉ đồng do nhiều cổ phiếu trong danh mục đầu tư rớt thảm như DIG, CEO.

Tại Nhà Đà Nẵng, tình hình tiêu thụ bất động sản khó khăn khiến doanh nghiệp này quyết định phiêu lưu với chứng khoán. Kết quả, Nhà Đà Nẵng lỗ ròng hơn 114 tỉ đồng trong quý II. Riêng 2 khoản mục là lỗ vì đầu tư chứng khoán và dự phòng giảm giá chứng khoán khiến doanh nghiệp này mất tổng cộng 137 tỉ đồng.

Thủy sản Vĩnh Hoàn cũng phải trích lập dự phòng hơn 63 tỉ đồng cho đầu tư cổ phiếu, trong đó có 3 mã bất động sản. Theo báo cáo tài chính quý II/2022, Vĩnh Hoàn đầu tư tổng cộng gần 200 tỉ đồng vào cổ phiếu tính theo giá gốc.  VN-Index rớt một mạch từ 1.500 điểm xuống chỉ còn chưa tới 1.200 điểm được xem là thủ phạm khiến danh mục chứng khoán bốc hơi. Thép Tiến Lên cũng ghi nhận khoản tạm lỗ vì chứng khoán hơn 61 tỉ đồng trong quý II.

 

Rõ ràng, chứng khoán dù là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng không dễ kiếm tiền, nhất là đối với tay ngang. Có quá nhiều ẩn số tác động đến diễn biến của giá cổ phiếu, từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đến các yếu tố vĩ mô như lãi suất, tăng trưởng kinh tế thực, dòng vốn margin... Đó là chưa nói đến các yếu tố chủ quan như khả năng quản lý rủi ro đầu tư của doanh nghiệp...

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp sản xuất không nên đầu tư chứng khoán trừ khi việc đầu tư này nhằm mục đích mở rộng sản xuất kinh doanh. “Doanh nghiệp sản xuất không có các nguồn lực cần thiết để đầu tư hiệu quả như các công ty quản lý quỹ hoặc tổ chức tài chính chuyên nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp khó tạo được lợi nhuận trên thị trường tài chính một cách bền vững trong dài hạn như các tổ chức tài chính chuyên nghiệp. Việc tham gia một hoạt động kinh doanh mới mà doanh nghiệp không có lợi thế là điều không nên”, ông Hiếu chia sẻ với NCĐT.

 

Các khoản đầu tư như vậy trên thị trường chứng khoán thường là đầu tư ngắn hạn với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Trong trung và dài hạn thị trường chứng khoán có thể đi lên theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường có thể bị chi phối bởi yếu tố tâm lý và đôi khi không đi theo các xu hướng của yếu tố cơ bản.

Điều này làm cho các khoản đầu tư trong ngắn hạn tiềm ẩn nhiều rủi ro như có thể mang lại lợi nhuận lớn nhưng thua lỗ cũng lớn. Mà các doanh nghiệp sản xuất thường không muốn đầu tư dài hạn trên thị trường chứng khoán nên rất dễ gánh chịu những khoản thua lỗ nặng nề. Các khoản thua lỗ này có thể quay lại ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến chứng khoán, nhưng nhà bán lẻ Thế Giới Di Động chọn phương thức có phần an toàn hơn là cho các công ty chứng khoán vay tiền với lãi suất 7-8,2%/năm, như cho Công ty Chứng khoán TP.HCM vay 765 tỉ đồng, Công ty chứng khoán Tiền Phong vay 150 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán VPS 158 tỉ đồng và Công ty Đầu tư Đông Sài Gòn vay 17 tỉ đồng.

Theo ông Hiếu, doanh nghiệp có thể sử dụng lượng tiền nhàn rỗi vào các hoạt động khác. Nếu lượng tiền nhàn rỗi này là cần thiết cho hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể đầu tư vào các công cụ tiền gửi để hưởng lãi suất trong khoản thời gian chưa cần đến, vừa mang lại lợi nhuận trong khi rủi ro không cao. Hoặc doanh nghiệp có thể lựa chọn chia cổ tức cho cổ đông. Sau khi nhận cổ tức, cổ đông có thể thực hiện các khoản đầu tư theo ý họ để có được mức lợi nhuận phù hợp.

 

Nếu doanh nghiệp sản xuất vẫn muốn tìm kiếm lợi nhuận từ chứng khoán thì cần tách bạch việc đầu tư chứng khoán với hoạt động kinh doanh chính. Việc này sẽ đảm bảo cho các biến động bất lợi trên thị trường chứng khoán không ảnh hưởng đến dòng tiền của hoạt động kinh doanh. Và trong những trường hợp xấu nhất, công ty vẫn có thể hoạt động bình thường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần có các nguồn lực chất lượng để thực hiện và quản lý các khoản đầu tư. Nguồn lực đó có thể là “cơ sở vật chất”, nguồn nhân lực có chuyên môn, để giúp doanh nghiệp đạt được một số mục tiêu cần thiết trong đầu tư. “Cuối cùng, các công ty sản xuất có thể cân nhắc đầu tư vào các quỹ để tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán. Các quỹ được quản lý bởi những tổ chức tài chính chuyên nghiệp. Các tổ chức này đều có một đội ngũ quản lý và phân tích chất lượng, hoàn toàn có thể thay các doanh nghiệp sản xuất đầu tư trên thị trường chứng khoán”, ông Hiếu nói.