The Telegraph
Liệu sẽ có một cuộc chiến tranh tiền tệ giữa Eurozone và Mỹ?
Theo một nhà chiến lược hàng đầu châu Âu, các thị trường tài chính nên chuẩn bị cho một cuộc chiến tiền tệ mới nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không phối hợp cùng nhau về mặt chính sách.
Alberto Gallo, người đứng đầu mảng chiến lược vĩ mô tại Algebris Investments và quản lý danh mục đầu tư cho quỹ Algebris Macro Credit, nói với CNBC rằng điều quan trọng là các ngân hàng trung ương phải biết nỗ lực đồng bộ, trong bối cảnh sắp chấm dứt môi trường lãi suất thấp.
"Các gói kích thích sẽ được giảm bớt, nhưng việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của ECB và Fed sẽ rất khó khăn. Nếu điều này không được thực hiện một cách đồng bộ, sẽ có một cuộc chiến tiền tệ", Gallo cảnh báo. Trước đó, ông đã từng viết rất nhiều về tình trạng "nới lỏng định lượng vô tận" (QE infinity) - một tình huống mà theo đó mức lãi suất thấp và các chương trình mua lại trái phiếu dường như vô tận dẫn tới việc lãi suất cho vay xuống thấp và gia tăng đầu tư tài chính.
Gallo nhận xét: "Những gì chúng ta đã thấy trong vài tuần vừa qua là một ví dụ. Cặp tiền tệ euro/USD đã tăng vượt mức 1 euro = 1,18 USD sau khi Fed tỏ ra ngập ngừng trong việc nâng lãi suất, như đã được xác nhận bởi báo cáo mới nhất của ECB. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của khu vực đồng euro, phân phối lại lạm phát sang Mỹ và các nước khác, buộc ECB phải quay trở lại với việc giảm dần nới lỏng (tapering)".
Diễn biến tỷ giá EUR/USD trong 1 tháng qua. Ảnh: Bloomberg |
Một đồng euro mạnh hơn sẽ làm cho các sản phẩm của châu Âu đắt hơn đối với những người tiêu dùng bên ngoài khu vực, trong đó có người tiêu dùng Mỹ. Tuần trước, biên bản từ cuộc họp mới nhất của ECB cho thấy các thành viên đang lo ngại đồng euro có thể tăng giá quá mức.
"Một cuộc chiến tiền tệ có thể dẫn tới một cuộc chạy đua đến đáy, khi mà mỗi ngân hàng trung ương đều không muốn là người hành động đầu tiên, khiến việc rút lại các chương trình nới lỏng định lượng trở nên khó khăn hơn", Gallo giải thích.
Các số liệu kinh tế tích cực tại châu Âu và Mỹ đã khiến các ngân hàng trung ương truyền tải thông điệp là họ đang xem xét lại các gói kích thích khổng lồ của mình. Nhưng khi các tổ chức này làm như vậy và thu hẹp số trái phiếu trên bảng cân đối kế toán của mình, đó sẽ là một thách thức lớn vì việc duy trì kích thích tiền tệ trong một thời gian dài đã khiến các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư và nền kinh tế toàn cầu quen với tình trạng lãi suất thấp.
Liệu một cuộc chiến tiền tệ có xảy ra?
Chiến tranh tiền tệ xảy ra khi một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia tìm cách đạt được lợi thế thương mại bằng cách làm suy yếu đồng nội tệ của mình so với các loại tiền tệ khác.
Trong trường hợp này, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng cuộc chiến tiền tệ giữa đồng euro và USD có thể sẽ trở nên tồi tệ nếu Fed bất ngờ trì hoãn lộ trình tăng lãi suất.
Ông Gallo nói: "Chúng tôi lo là nếu chính quyền của Trump không thể thực hiện những biện pháp kích thích tài khóa thì Fed sẽ trở nên bồ câu hơn (thiên về nới lỏng), điều đó có nghĩa là cơ quan này sẽ không có đủ dự trữ tiền mặt để ứng cứu trong trường hợp một cuộc khủng hoảng nữa xảy ra".
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết cắt giảm thuế và đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, điều này được các nhà đầu tư xem là giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, sự lạc quan đã bị phóng đại quá mức trên các thị trường trong khi Trump vẫn chưa thực hiện bất cứ điều gì, làm tăng nghi ngờ liệu các chính sách này có thể được thực thi hay không.
Trên thực tế, các thị trường đã bắt đầu cho rằng Fed dường như đã bớt lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Fed cho biết vào tháng 7 rằng lạm phát - một trong những chỉ số kinh tế quan trọng nhất đối với họ - "đang ở dưới mức 2%", trong khi trước đó vào tháng 6 thì họ cho biết lạm phát "đang ở gần mức 2%". Các thị trường cho rằng Fed đang ngả sang lập trường bồ câu hơn (trì hoãn nâng lãi suất), và dẫn tới việc USD giảm giá.
Diễn biến chỉ số DXY trong 5 ngày qua. Ảnh: Market Watch |
Tuần trước, biên bản cuộc họp Fed tuần trước cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách trong cơ quan này đang bị chia rẽ về tốc độ tăng lãi suất, tạo cơ sở cho những nhận xét rằng Fed đang trở nên bồ câu hơn.
Chỉ số USD DXY (đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 loại tiền tệ mạnh khác) đã xuống mức 93,515 vào thứ Sáu tuần trước. Jane Foley, người đứng đầu mảng thu nhập cố định tại Rabobank, giải thích rằng "chỉ số DXY giảm khoảng 4,6% so với mức cao từng đạt được sau cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái".
Liệu chúng ta có phóng đại quá mức rủi ro chiến tranh tiền tệ?
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng châu Âu và Mỹ đang đến bên bờ vực của một cuộc chiến tiền tệ. Nick Gartside, phụ trách đầu tư về thu nhập cố định tại JP Morgan Asset Management, nói với CNBC rằng rủi ro cuộc chiến tiền tệ "là một sự phóng đại".
Gartside nói: "Đây mới chỉ là đầu nhiệm kỳ của Trump, và kinh tế Mỹ vẫn rất vững mạnh”.
Ngoài lạm phát, các dữ liệu như số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ hay báo cáo việc làm cũng là những yếu tố quan trọng khác để Fed cân nhắc trước khi thực hiện chính sách tiền tệ. Hồi đầu tháng này, những con số này đều đã vượt kỳ vọng. Trong tháng 7 đã có 209.000 việc làm mới tại Mỹ, so với dự kiến là 183.000. Số việc làm của tháng 6 cũng được điều chỉnh cao hơn.
Gartside nói thêm rằng cả Fed và ECB "đã phối hợp nhịp nhàng" về vấn đề thu hẹp bảng cân đối kế toán. Fed có thể công bố một động thái như vậy vào tháng tới và ECB sẽ hành động tương tự "vào sau đó", ông nói.
Ông Paul Sheard, kinh tế gia trưởng của S&P Global, cho biết "có rất ít cơ sở cho những lo ngại rằng việc rút các gói kích thích sẽ làm tổn hại đến bảng cân đối của các ngân hàng trung ương và làm ảnh hưởng việc hoạch định chính sách tiền tệ".
Tuy nhiên, quá trình rút các gói kích thích tiền tệ sẽ không phải là dễ dàng. Cả Fed và ECB đều có một gánh nặng lớn trước mặt. Sau nhiều năm bơm tiền rẻ vào nền kinh tế, các ngân hàng trung ương này hiện phải tìm cách thu hẹp lại nguồn cung, và các nhà phân tích đã cảnh báo đây là một thách thức lớn khi mà những cơ quan này đều đang ôm khối lượng nợ chính phủ khổng lồ. Theo dữ liệu từ Financial Times, 6 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới hiện nắm giữ tổng tài sản hơn 15 nghìn tỷ USD. Trong số này, có hơn 9 nghìn tỷ USD là trái phiếu chính phủ.
Bá Ước
Nguồn CNBC