Những năm gần đây, kinh tế TP.HCM bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm. Ảnh: Quý Hòa
Liệu kinh tế TP.HCM có giảm tốc?
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong những năm tới sẽ chững lại, tăng thấp do đã “cạn kiệt” về nguồn lực đất đai, hạ tầng giao thông còn yếu kém, chất lượng lao động chưa cao, thiếu liên kết vùng và nếu thành phố không sớm mở rộng không gian phát triển đô thị thì càng về sau càng tắt nghẽn.
Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập” do UBND TP.HCM tổ chức vào cuối tuần, ông Nguyễn Trọng Hoài, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nếu xét theo chỉ tiêu phát triển và không gian phát triển đô thị thì TP.HCM đã trở thành siêu đô thị bởi đã có dân số trên 10 triệu người nên áp lực đang đè nặng lên hạ tầng giao thông rất lớn.
Hội thảo còn có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội thảo |
Hơn thế, về trình độ sản xuất, ông Hoài dẫn kết quả khảo sát mới đây cho thấy hơn 90% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở thành phố sử dụng công nghệ sản xuất trung bình, nhiều doanh nghiệp không sử dụng hết mặt bằng đất đại và cho thuê lại. Còn lao động thì có đến khoảng 70% đến từ các địa phương khác nên chi phí đào tạo để đảm bảo yêu cầu sản xuất sẽ rất lớn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, những năm gần đây, kinh tế TP.HCM bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm (năm 2015 tăng 7,72%, năm 2016 tăng 8,05%, năm 2017 tăng 8,25%).
Dù có tốc độ tăng trưởng tăng qua từng năm nhưng chất lượng tăng trưởng kinh tế tăng trưởng kinh tế thành phố chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, cơ cấu kinh tế, tăng trưởng khu vực dịch vụ và công nghiệp – xây dựng tăng chậm (dịch vụ giảm từ 12,5% trong giai đoạn năm 2006 - 2012 xuống còn 11,2% giai đoạn 2011 – 2015, tương tự công nghiệp giảm từ 10,3% xuống còn 7,6%).
Ngành công nghiệp của thành phố chủ yếu vẫn là sản xuất hàng tiêu dùng và chưa có ngành nào phát triển đột phá rõ rệt, nhiều ngành sản xuất thâm dụng lao động có xu hướng tăng. Các ngành dịch vụ, buôn bán nhỏ, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỉ trọng cao, còn ngành dịch vụ hàm lượng khoa học công nghệ cao lại chiếm tỉ trọng thấp.
Giải pháp cho những năm tới, theo ông Hoài, TP.HCM cần xem lại đào tạo lao động trình độ cao, quan tâm đến cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian liên kết vùng và tái cấu trúc không gian hiện hữu. Song song đó, thành phố cần sớm tái cấu trúc lại trình độ sản xuất khu vực doanh nghiệp công nghiệp thành phố theo hướng nâng cao công nghệ, hiệu quả sử dụng đất đai công nghiệp.
Ngoài ra, ông Hoài đề xuất cơ chế quản lý hành chính ở thành phố cần ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để tránh nặng nề và chi phí giao dịch và thời giaan giao dịch của doanh nghiệp, người dân tăng cao (TP.HCM đang có khoảng 2.600 giao dịch dịch vụ công chủ yếu là mức độ chưa cao, người dân còn đến cơ quan thực hiện giao dịch thủ công).
Theo bà Nguyễn Thị Cảnh, chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Kinh tế Luật TP.HCM, tăng trưởng kinh tế thành phố những năm qua thiếu ổn định, FDI tăng chậm và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, chất lượng lao động chưa được đào tạo tương xứng, nhập khẩu có xu hướng tăng cao hơn xuất khẩu (nhập siêu)…
Do vậy, bà Cảnh đề xuất TP.HCM cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thu hút các nguồn FDI, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (ưu đãi về lãi suất, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao) hơn nữa. Cần liên kết trong chế biến, tạo chuỗi giá trị sản xuất cho từng ngành, còn ngành dịch vụ vốn đang có năng suất lao động thấp cần được cải thiện hơn nữa về chất lượng dịch vụ, đăc biệt là khu vực dịch vụ hành chính công.
Cũng tại hội thảo sáng nay, có ý kiến cho rằng TP.HCM phải coi khoa học công nghệ là nền tảng để thúc đẩy mọi lĩnh vực kinh tế và theo đó, cần cụ thể hóa từng chương trình mục tiêu phát triển để đưa kết quả vào đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.