Liệu kiều hối sẽ là mảnh đất màu mỡ cho ngân hàng?
Năm 2015, có hơn 110.000 người Việt Nam rời quê hương để tìm nguồn thu nhập mới ở các nước công nghiệp, vượt hơn 15% so với kế hoạch đặt ra. Nhờ lao động xuất khẩu ngày càng nhiều hơn, lượng ngoại tệ mà nhóm này gửi về đang dần trở thành nguồn kiều hối quan trọng thứ 2, bên cạnh lượng kiều hối truyền thống do kiều bào sống định cư ở nước ngoài chuyển về nước. Hiện có khoảng hơn 4 triệu người Việt Nam sống, làm việc ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kiều hối đóng vai trò quan trọng ở những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, khi không chỉ cung cấp một lượng ngoại tệ không nhỏ mà còn là nguồn đầu tư lớn đáng kể. Năm 2015, kiều hối về Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao: đứng thứ 11 thế giới về lượng kiều hối và đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Philippines) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo thống kê của World Bank.
Bên cạnh những lợi ích vĩ mô, lượng kiều hối chảy về nhiều hơn cũng giúp “nuôi sống” những công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chuyển tiền xuyên quốc gia.
Bản chất của kiều hối là nhận và chi tiền giữa các quốc gia với nhau. Dòng tiền bắt buộc phải đi qua hệ thống thanh toán của ngân hàng. Một số tổ chức quốc tế độc lập thứ 3 có nhiều mối quan hệ sẽ đứng ra làm trung gian.
Ở Việt Nam, vai trò này không chỉ thuộc về các tổ chức chuyển tiền thứ 3 như Western Union hay Money Gram, mà còn có sự đóng góp mạnh mẽ từ phía các ngân hàng nội địa. Gần đây 2 ngân hàng tư nhân là OCB và Ngân hàng Bắc Á cũng muốn sở hữu công ty kiều hối riêng. Liệu đây có là mảnh đất màu mỡ cho các ngân hàng thương mại?
Hai ngân hàng tư nhân đặt những viên gạch sớm nhất cho mô hình kiều hối là Ngân hàng Đông Á và Sacombank. Cả 2 ngân hàng này đều có bộ phận kiều hối từ giai đoạn đầu thập niên 2000. Tuy nhiên, để hoạt động kiều hối thuận lợi hơn, 2 ngân hàng này đều thành lập những công ty kiều hối riêng (ngân hàng có xu hướng tạo ra những công ty con để hoạt động dễ dàng hơn, như công ty xử lý nợ, công ty chứng khoán, công ty cho vay tiêu dùng).
Về bản chất, công ty kiều hối cung cấp một kênh nhận tiền riêng cho khách hàng. Khi chuyển tiền về Việt Nam, người nhận có thể chọn nhận tiền qua kênh ngân hàng (trực tiếp tại quầy, chuyển khoản qua internet...), hoặc qua kênh của công ty kiều hối (trực tiếp tại quầy, hoặc mang tiền đến tận nhà).
Ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Kiều hối Sacombank, cho biết ở hệ thống Sacombank, khoảng 60% doanh số kiều hối được chuyển qua kênh ngân hàng, số còn lại được chuyển qua công ty kiều hối. Vì vậy, có thể xem các công ty kiều hối trực thuộc ngân hàng là cánh tay nối dài cho ngân hàng trong hoạt động nhận và gửi tiền về nước.
Vậy đâu là điểm khó trong mô hình này? Theo ông Tâm, cái khó của công ty kiều hối là quản trị về mặt con người. Hiện ở 48/63 tỉnh thành đều có nhân viên kiều hối của Sacombank trực tiếp giao tiền cho khách hàng, ông Tâm cho biết.
Mặt khác, mảng kiều hối cũng đóng góp không nhiều vào hoạt động của ngân hàng. Lấy ví dụ ở Ngân hàng Đông Á. Công ty kiều hối riêng của ngân hàng này đã sớm được thành lập (năm 2001). Dù vậy, lợi nhuận từ chi trả kiều hối năm 2013 chỉ chiếm khoảng 11% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Trong khi đó, tổng lượng kiều hối chảy qua Đông Á cũng gần tương đương với Sacombank, quanh mốc 1,7 tỉ USD. Trong năm 2015, thị phần Công ty Kiều hối Đông Á chiếm 11,4% trong khi Công ty Kiều hối Sacombank vào khoảng 14,7%, theo số liệu của các công ty này.
Có lẽ vì lý do trên mà những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kiều hối thường không đặt nặng vấn đề lợi nhuận trực tiếp từ mảng này. “Dịch vụ ngoại hối có lợi nhuận ròng thấp, vì nó nặng ở sứ mệnh là huy động ngoại tệ cho nền kinh tế”, ông Tâm, Công ty Kiều hối Sacombank, cho biết. Trên thực tế, phí chuyển tiền qua ngân hàng hoặc tổ chức quốc tế thì cao, nhưng qua công ty kiều hối thì lại thấp.
Như đã nói ở trên, thị trường không chỉ có những công ty kiều hối trực thuộc ngân hàng, mà còn có những người chơi khác như các tổ chức chuyển tiền quốc tế. Điểm khác biệt giữa các mô hình này nằm ở chi phí.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, ngân hàng dự kiến triển khai công ty kiều hối, cũng cho biết, thông qua công ty kiều hối riêng của ngân hàng, khách hàng được lợi hơn về phần chi phí so với việc chuyển qua công ty chuyển tiền quốc tế.
Giảm chi phí cũng là thách thức lớn của các mô hình chuyển tiền trên thế giới. Năm 2009, nhóm nước G8 cho biết mục tiêu cắt giảm chi phí chuyển tiền từ 10% xuống còn 5% trong vòng 5 năm. Đến giữa năm 2015, mức trung bình là 7,7%, theo tờ The Economist.
Tuy nhiên, hoạt động kiều hối không chỉ đơn giản là thu phí. Theo ông Tùng, OCB, các ngân hàng còn được hưởng lợi từ 2 hoạt động khác là kinh doanh ngoại hối và bán chéo sản phẩm cho người gửi, người nhận. Ngoài ra, ngân hàng còn duy trì được lượng tiền gửi trong tài khoản và thu thập thông tin người dùng.
Mô hình chuyển tiền ngày nay cũng đang thay đổi nhanh chóng do yếu tố công nghệ. Hiện tại, công nghệ cũng là đích nhắm tới của Ngân hàng Bắc Á. Tại Đại hội cổ đông vừa qua, các lãnh đạo của ngân hàng này xác định kênh trực tuyến là đích nhắm quan trọng. Số vốn điều lệ của công ty kiều hối mà Bắc Á dự định thành lập cũng cao hơn hẳn so với nhiều công ty kiều hối nội địa khác.
Trên thế giới, chi phí chuyển tiền đang dần thấp hơn nhờ các công ty công nghệ tài chính (Fintech). Lấy ví dụ như Bitcoin giúp chuyển tiền với mức phí chỉ còn 1 USD cho mỗi giao dịch. Tại thị trường nội địa, cũng có dịch vụ BankPlus (của Viettel và Ngân hàng Quân Đội) hay MoMo giúp chuyển tiền qua điện thoại di động.
Thanh Phong