Internet
Liệu đợt bán vốn Sabeco sắp tới có thành công?
Việc giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) lên tới hơn 300.000đ/cp trong tháng này khiến cho thương vụ thoái vốn sắp tới của Bộ Công Thương tại công ty này trở nên khó đoán hơn.
Bộ Công Thương sẽ bán 53,6% cổ phần Sabeco vào ngày 18.12 tới, với hy vọng sẽ thu về gần 5 tỷ USD cho nhà nước. Đây là khoản bán cổ phần lớn nhất và được mong đợi nhất của đất nước, 9 năm sau khi Sabeco được cổ phần hoá. Công ty hiện đang được định giá 9 tỷ USD, trở thành công ty niêm yết lớn thứ hai của Việt Nam, sau Vinamilk.
Công ty này được niêm yết vào cuối năm 2016, và giá cổ phiếu của nó đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi từ đó. Cổ phiếu của Sabeco đã tăng gần gấp 3 lần kể từ khi niêm yết, và các nhà phân tích thị trường cho rằng giá cao như thế là do lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của SAB là rất giới hạn.
Sau khi chính phủ công bố giá khởi điểm cho đợt thoái vốn sắp tới là 320.000 đồng, cổ phiếu này tiếp tục tăng và đạt mức giá 330.000 đồng vào ngày 1.12.
Mặc dù việc tăng giá có lợi cho các nhà đầu tư cá nhân và đầu tư tài chính, nhiều chuyên gia khẳng định rằng nó không phản ánh đúng nguyên tắc thị trường.
Liệu đợt thoát vốn này có thành công hay không là điều chưa thể đoán trước được, bởi vì giá tham chiếu cao hơn 73% so với mức giá mà các nhà tư vấn của thương vụ đề xuất. Ngoài ra, Deal Street Asia cho rằng mức giá cao như thế cũng gây ra hoài nghi là ai sẽ mua một lượng lớn cổ phiếu đó.
Một nhà phân tích yêu cầu giấu tên cho biết: "Nếu Chính phủ Việt Nam thực sự muốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào Sabeco thì họ nên chọn một mức giá thực tế hơn.”
Sabeco hiện là cổ phiếu cao giá nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. P/E của SAB là khoảng 45 lần so với mức trung bình của các công ty trong ngành là 22 lần. Theo Kevin Snowball, Giám đốc Điều hành của PXP Asset Management, giá cổ phiếu Sabeco cũng đắt hơn giá cổ phiếu của Vinamilk, doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam, hiện đang được giao dịch ở mức P/E là 32 lần.
Trong một lưu ý tuần trước, Trevor Stirling của Bernstein đã chỉ ra rằng mức giá cao có thể "làm giảm sự quan tâm... nếu xét về mặt kinh tế".
Cổng thông tin Just-Drinks cũng trích dẫn thêm lời bình luận của Bernstein rằng: “Thương vụ này chỉ hấp dẫn khi người mua nước ngoài có thể nắm quyền kiểm soát tại SAB bằng cách hợp tác với một nhà đầu tư địa phương, điều thực tế cũng rất phức tạp."
Năm ngoái, SCIC cũng đã không thể bán hết được 9% cổ phần Vinamilk mà họ chào bán, khi mà chỉ có Fraser & Neave mua 5,4%. Nguyên nhân là do 9% là một lượng cổ phần nhỏ, chứ không phải vì mức giá không hợp lý.
Giá cổ phiếu Sabeco. Ảnh: VnDirect |
Deal Street Asia cho hay mặc dù lượng cổ phần 53,6% của Sabeco là đáng kể, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể có quyền kiểm soát tại SAB do trần sở hữu nước ngoài vẫn ở mức 49%.
Hiện nay, Bộ Công Thương Việt Nam sở hữu 89,6% cổ phần SAB. Ngay cả khi dự định bán 53,6% cổ phần trong công ty thì các nhà đầu tư quốc tế chỉ có thể mua được tối đa 38,59% cổ phần Sabeco, vì Heineken và các nhà đầu tư nước ngoài khác đã nắm giữ khoảng 9% cổ phần SAB.
Những người mua tiềm năng của thương vụ này là những nhà đầu tư giàu tiềm lực tài chính và muốn tăng cường sự hiện diện của họ trong ngành.
Tuy nhiên, một số khác vẫn tin đây sẽ là một cuộc đấu giá thành công, nó sẽ thu hút các nhà đầu tư tích cực, những người chấp nhận bất kỳ giá nào để mua lại một lượng cổ phần lớn tại, với kì vọng vào một thị trường hơn 90 triệu dân với mức tiêu dùng ngày càng tăng và thế thống trị của SAB trên thị trường bia ở Việt Nam.
Sabeco hiện nắm giữ 40% thị phần bia ở Việt Nam, theo sau là Heineken (28%), cũng là cổ đông hiện tại của Sabeco.
Theo hãng tin Reuters, công ty nước giải khát Philippines, San Miguel, đã tuyên bố sẽ tham gia đấu giá Sabeco. Ngoài Heineken, AB InBev của Bỉ; Asahi và Kirin của Nhật Bản cũng đang quan tâm đến thương vụ này.