insidermonkey.com
Liệu Châu Á có thể đứng vững trước nguy cơ dòng vốn tháo chạy?
Các quốc gia châu Á từng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997, khiến cho đồng tiền của nhiều nước mất giá và thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, dẫn tới sự sụp đổ của các chính phủ và đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói. 20 năm sau cuộc khủng hoảng, giờ đây nhiều nước châu Á đã có cơ chế phòng vệ thuộc loại mạnh nhất thế giới.
Nhưng sự bền vững đó phải đối mặt với một thử thách mới. Các ngân hàng trung ương lớn nhất toàn cầu hoặc là đang chấm dứt kích thích tiền tệ, hoặc là đang cân nhắc làm điều đó. Đây cũng chính là nhân tố góp phần dẫn tới khủng hoảng 1997. Động thái chấm dứt kích thích tiền tệ có thể khiến thanh khoản bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi, tạo áp lực lên đồng tiền của các nước này và làm tăng chi phí cho các khoản nợ bằng USD.
Biện pháp bảo vệ mạnh hơn
Dự trữ ngoại hối của châu Á hiện ở mức hơn 6.000 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng dự trữ của thế giới, đứng đầu là Trung Quốc với 3.000 tỷ USD. Vào năm 1996, dự trữ ngoại hối của châu Á là dưới 1.000 tỷ USD, khiến cho các ngân hàng trung ương trong khu vực không thể can thiệp khi các đồng tiền không thả nổi của họ không thể đương đầu với những cú tấn công đầu cơ từ những người như George Soros. Hầu hết các nước bây giờ đều đã có hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi, khiến cho ngân hàng trung ương không bị buộc phải duy trì một tỷ giá nhất định.
Dự trữ ngoại tệ tại các nước Đông Á (tỷ USD). Ảnh: Bloomberg |
Sức mạnh của thặng dư
Vị thế tài khoản vãng lai của châu Á đã mạnh hơn rất nhiều so với cách đây 20 năm, khi hầu hết các nước đầu có thặng dư trong nhiều năm nay. Các tài khoản vãng lai (current account), vốn đo lường các dòng chảy thương mại và tài chính bao gồm cả trả lãi và cổ tức, thường được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá khả năng trụ vững của một quốc gia trước khủng hoảng.
Vị thế tài khoản vãng lai của các nước Đông Á tại thời điểm năm 1996 (màu đen) và 2016 (màu vàng). Ảnh: Bloomberg |
Triển vọng kinh tế lạc quan
Các nền kinh tế châu Á tiếp tục nằm trong nhóm phát triển nhanh nhất trên thế giới, với các nước như Philippines, Ấn Độ và Trung Quốc đạt tăng trưởng hơn 6%/năm.
GDP của các nước Đông Á tại thời điểm năm 1996 (màu đen) và 2016 (màu vàng). Ảnh: Bloomberg |
Ít chịu rủi ro hơn
Hầu hết các nước châu Á đã nỗ lực nhằm giảm nợ nước ngoài, khiến cho nền kinh tế của họ ít bị ảnh hưởng bởi sự mạnh lên của USD, vốn làm tăng chi phí trả nợ. 20 trước, nhiều công ty đã bị phá sản và các chính phủ từ Thái Lan đến Hàn Quốc đã cầu cạnh các gói cứu trợ từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) khi đồng tiền của họ mất giá mạnh, khiến các quốc gia này không thể thanh toán nợ nước ngoài bằng USD.
Tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP của các nước Đông Á tại thời điểm năm 1996 (màu đen) và 2016 (màu vàng). Ảnh: Bloomberg |
Ưu thế về nhân khẩu học
Các nền kinh tế châu Á cũng đã giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu và tập trung vào tiêu dùng trong nước. Lượng dân số trẻ đông đảo tại các nước như Philippines và Indonesia sẽ mang lại nhiều lợi ích nếu tầng lớp trung lưu ở các nước này tiếp tục tăng trưởng.
Dân số tại các nước Đông Á tại thời điểm năm 1996 (màu đen) và 2016 (màu vàng). Ảnh: Bloomberg |
Dòng vốn tấp nập trở lại
20 năm sau cuộc khủng hoảng 1997, châu Á lại trở thành một điểm đến yêu thích của nhà đầu tư. Các quỹ toàn cầu đã rót khoảng 45 tỷ USD vào cổ phiếu và trái phiếu ở Indonesia, Malaysia, Philippines , Hàn Quốc và Thái Lan trong năm nay. Các nhà phân tích dự đoán rằng đồng Rupiah của Indonesia, đồng Peso của Philippines, và đồng Ringgit của Malaysia sẽ là những đồng tiền triển vọng nhất ở châu Á vào cuối năm 2018.
Dự báo tỷ lệ tăng giá của các nước Đông Á tới quý 4 2018. Ảnh: Bloomberg |
Ông Tsutomu Soma, tổng giám đốc của bộ phận thu nhập cố định tại Công ty Chứng khoán SBI cho biết: "Châu Á đã rút ra rất nhiều bài học từ quá khứ và đã phải trả một cái giá rất đắt cho những bài học trên, và từ đó đã cải cách rất quyết liệt".
Bá Ước
Nguồn Bloomberg