Liệu BSC có hấp dẫn khối ngoại?
Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), thuộc tốp 10 công ty dẫn đầu về thị phần môi giới trên sàn HSX, dự kiến sẽ phát hành tối đa 63 triệu cổ phiếu trong năm nay với giá không dưới 10.000 đồng/cổ phiếu và ưu tiên bán cho quỹ đầu tư nước ngoài. Nếu nội dung này được cổ đông thông qua và được triển khai trong thực tế, ảnh hưởng của Ngân hàng BIDV lên BSC sẽ giảm. Cụ thể, thay vì nắm giữ 88,1%, BIDV sẽ chỉ còn sở hữu 51% vốn tại BSC.
Việc BIDV muốn giảm sở hữu ở BSC được dự đoán có thể gia tăng tính hấp dẫn hơn cho cổ phiếu này. Bởi từ khi lên sàn (năm 2011), tỉ lệ nắm giữ của BIDV tại BSC không thay đổi. 5 năm liên tục, BIDV vẫn giữ quyền chi phối toàn bộ hoạt động tại BSC.
Đây là lý do để các tổ chức nước ngoài không tha thiết tìm đến BSC, cả khi cơ hội cho họ ở những công ty chứng khoán lớn khác như SSI, HSC, VNDirect... đã hết. Thống kê từ thị trường cho thấy, dòng vốn ngoại đổ vào BSC chưa bao giờ vượt quá 6% vốn điều lệ.
Nhưng đó là diễn biến của thời kỳ trước, thời mà nhà đầu tư nước ngoài còn vấp phải trần sở hữu. Bây giờ, khi điều kiện đã cởi mở hơn, các công ty chứng khoán có quyền mở toang cánh cửa để chào đón khối ngoại. SSI đã làm như thế. Kết quả, khối ngoại hiện đang nắm giữ gần 53% vốn điều lệ tại SSI.
Ngoài SSI, trong nhóm 10 công ty chứng khoán dẫn đầu về thị phần môi giới, chưa ai có ý định bước ra khỏi giới hạn 49%. Những lo ngại về rủi ro pháp lý, bất lợi liên quan đến thuế, đến việc chuyển tài sản ra nước ngoài, đến hoạt động tự doanh và vay vốn đầu tư kinh doanh chứng khoán, nếu bị xem là doanh nghiệp nước ngoài, khiến các công ty không thể mạnh dạn như SSI.
10 công ty dẫn đầu về thị phần môi giới ở HSX quý I/2016 |
BSI cũng vậy. Nếu gọi vốn thành công, room tối đa cho khối ngoại chỉ 49% vốn điều lệ. Đó là con số lý tưởng. Còn trên thực tế, với cơ cấu cổ đông nhỏ lẻ hiện nắm giữ khoảng 7% vốn điều lệ ở BSC, nhà đầu tư nước ngoài dù quyết tâm cũng không thể với tới số lượng tối đa này. Không là cổ đông lớn nhất, lại chỉ được nắm giữ tối đa 42,3% vốn điều lệ, liệu nhà đầu tư nước ngoài có động lực để tham gia vào đợt tăng vốn sắp tới ở BSC không? Câu trả lời là không chắc chắn.
Thứ nhất, xu hướng đầu tư của các tổ chức ngoại vào công ty chứng khoán Việt Nam phần lớn đều muốn tham gia sâu, can thiệp mạnh, qua đó mở rộng hoạt động tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bằng chứng là Daiwa, ông lớn trong ngành tài chính Nhật, cũng là cổ đông lớn nhất ở SSI, đã không hề giấu ý định khi công bố sẽ chi hàng tỉ yen Nhật để gia tăng sở hữu tại SSI. Hay từ khi Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) đầu tư vào Công ty Chứng khoán Gia Quyền, công ty này đã trở thành doanh nghiệp nước ngoài với tên gọi mới là Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (năm 2012). Riêng đối với Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam, khối ngoại đã nhanh chóng nắm toàn quyền kiểm soát.
BSC muốn thu hút vốn ngoại sẽ vấp phải cạnh tranh từ những công ty chứng khoán cũng thuộc tốp đầu về thị phần môi giới. Nếu như HSC,VNDirect tương đối kín room thì Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), Chứng khoán FPT (FPTS) lại thênh thang cơ hội đầu tư cho khối ngoại. Một khi suy nghĩ đến việc đầu tư vào BSC, nhà đầu tư nước ngoài có quyền đặt BSC lên bàn cân so sánh.
So với MBS, ACBS, SHS... thì BSC có thị phần môi giới (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ) xếp thứ 9, đứng sau các công ty kể trên, xét số liệu quý I/2016 lẫn cả năm 2015. Môi giới chứng khoán đã và sẽ là lĩnh vực chịu nhiều cạnh tranh khốc liệt khi việc mở rộng khách hàng cá nhân ngày càng khó khăn. Trong khi đó, khả năng tìm kiếm khách hàng ngoài hệ thống BIDV của BSC còn hạn chế.
Cũng theo chia sẻ từ Công ty, các hợp đồng tư vấn của BSC cũng chưa ổn định. Đối với hoạt động đầu tư, doanh thu mảng này năm 2015 giảm 43% so với năm trước đó. Theo lý giải của BSC, hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán chịu tác động mạnh bởi sự tăng giảm đột ngột, biến động khó lường của thị trường chứng khoán trong nước và khu vực.
Có lẽ vì thế mà sang năm 2016, BSC dự kiến trình trước cổ đông một kế hoạch kinh doanh năm 2016 thận trọng với doanh thu chỉ hơn 330 tỉ đồng, giảm 29%; lợi nhuận trước thuế ước chỉ đạt 75 tỉ đồng, giảm 26%.
Nhưng BSC không phải không có những lợi thế ghi điểm đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đó là thị phần môi giới cổ phiếu thường xuyên nằm trong top đầu và liên tục tăng trưởng suốt 4 năm qua. Ở hoạt động tư vấn, lợi thế trực thuộc BIDV đã giúp BSC tiếp cận được những khách hàng lớn, có được các hợp đồng tư vấn giá trị. Trong đó, tư vấn cổ phần hóa, chào bán cổ phần lần đầu cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, tư vấn phát hành cho Tổng Công ty Sông Đà, Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Tập đoàn Hà Đô, Tập đoàn Năm Sao... là những hợp đồng nổi bật năm qua của BSC.
Trong tương lai, nếu BIDV có giảm sở hữu tại BSC thì mối quan hệ mẹ - con giữa BIDV - BSC vẫn sẽ tiếp tục giúp BSC tạo dựng, khai thác tốt các mối quan hệ hợp tác lâu dài với các tổng công ty, doanh nghiệp đầu ngành, củng cố nền tảng khách hàng cho BSC.
BSC cũng là 1 trong 2 công ty chứng khoán đầu tiên có mặt trên thị trường, với 17 năm hoạt động. Lịch sử hoạt động lâu năm giúp BSC có những kinh nghiệm đáng kể trong am hiểu thị trường, mở rộng khách hàng, trong các hoạt động tạo giá trị gia tăng cho nhà đầu tư như phân tích đầu tư... BSC cũng là một trong những công ty chứng khoán có quy mô lớn. Nếu đợt tăng vốn lên 1.500 tỉ đồng thành công, BSC sẽ ngang với ACBS và chỉ đứng sau SSI và Agriseco về vốn điều lệ.
Quy mô vốn lớn sẽ giúp BSC có lợi thế trong triển khai nhiều hoạt động. Tìm kiếm cơ hội từ việc tham gia thị trường phái sinh là một điển hình. BSC dự kiến sẽ tham gia vào các hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh (môi giới, tự doanh và tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh), cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, đăng ký làm thành viên tạo lập thị trường trên thị trường chứng khoán phái sinh...
Viết Nguyên