Bảo Ngọc Thứ Ba | 03/04/2018 09:30

LienVietPostBank: Tăng tốc trong cuộc đua ngân hàng số

LienVietPostBank tiến hành bán lẻ thông qua đầu tư vào công nghệ và tận dụng hệ thống mạng lưới giao dịch trải khắp cả nước.

 Với tổng lợi nhuận trước thuế trong 2 năm gần nhất (2016 và 2017) gấp hơn 3 lần tổng lợi nhuận 2 năm trước đó (2014 và 2015) và đến chủ yếu từ hoạt động cho vay, ngân hàng trẻ này đang bắt đầu gặt hái thành công từ mảng bán lẻ.

Đầu tư mạnh vào công nghệ

Theo báo cáo của The Asian Banker, thị trường ngân hàng bán lẻ của Việt Nam là thị trường có mức độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và sẽ đạt đến mức 6,5 tỉ USD vào năm 2020. Với hơn 80% dân số Việt Nam chưa tiếp cận với các sản phẩm ngân hàng, dư địa phát triển mảng ngân hàng bán lẻ đang tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt bằng công nghệ của các ngân hàng số tương lai. Bắt kịp xu hướng này, LienVietPostBank tham gia cuộc đua ngân hàng số cùng với các ngân hàng tiêng phong khác bằng sản phẩm Ví Việt và đã đưa vào kinh doanh từ  tháng 8.2016, gặt hái nhiều thành công. Tính đến tháng 3.2018, Ví Việt đã có hơn 2 triệu người sử dụng và hơn 18.000 điểm chấp nhận thanh toán.

LienVietPostBank: Tang toc trong cuoc dua ngan hang so
 

Ông Nguyễn Đình Thắng, người dẫn dắt và phát triển Ví Việt gặt hái thành công, đã trở thành tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank nhiệm kỳ năm 2018-2023 vào ngày 28.3 vừa qua. Ông cho biết, với mức đầu tư là 100 tỉ đồng, ứng dụng Ví Việt đã có thể cung cấp 3/4 chức năng online thay thế các dịch vụ tại quầy giao dịch là phương tiện thanh toán, huy động tiết kiệm, cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm; chức năng thứ 4 là tư vấn dịch vụ, quản trị tài chính cá nhân, khởi tạo vay thế chấp, tín chấp online đang xây dựng và sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Kế hoạch ngân hàng số LienVietPostBank đang được phát triển về chức năng dịch vụ, phát triển người dùng đồng thời xây dựng và mở rộng hệ sinh thái xoay quanh sản phẩm Ví Việt. Với dự kiến đạt hơn 3 triệu người sử dụng, hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán Ví Việt và kết nối dịch vụ với các đối tác thương mai, cung cấp dịch vụ lớn... Ví Việt sẽ tiếp tục được đầu tư thêm 100 tỉ đồng trong thời gian tới để trở thành sản phẩm mũi nhọn trong chiến lược xây dựng ngân hàng số, giúp Ngân hàng hướng tới mục tiêu ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam”, “Ngân hàng của mọi người”.

LienVietPostBank là một trong hai ngân hàng (cùng với Agribank) có mạng lưới giao dịch trải rộng khắp cả nước. Đến ngày 28.3, LienVietPostBank đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành trong cả nước với 239 chi nhánh, phòng giao dịch, hơn 1.100 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện trên toàn quốc. Mạng lưới rộng lớn cũng mang lại thế mạnh cho Ví Việt khi sản phẩm công nghệ này có thể tiếp cận được các đối tượng tại các vùng xa mà hầu hết các ngân hàng khác chưa thể vươn đến được.

Hệ thống giao dịch lớn là điểm mạnh nhưng cũng sẽ là của thách thức LienVietPostBank. Vì mạng lưới rộng thì chi phí đầu tư hạ tầng, phí quản lý, hoạt động của ngân hàng sẽ tăng, nhu cầu về nhân sự tăng. Ông Thắng chia sẻ về chiến lược, giải pháp giảm chi phí là: “Chúng tôi đã xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về nâng cao chất lượng tuyển dụng, tăng cường đào tạo trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ và đào tạo qua mạng; đồng thời có chính sách lương, thưởng tốt cho nhân viên để an tâm làm việc lâu dài. Đồng thời, LienVietPostBank tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại như Corebanking Flexcuble 12.1.0, hệ thống Core thẻ SmartVista, ứng dụng phần mềm tiên tiến (ERP, CXM, DatawereHose, PeopleSoft..) phục vụ quản trị, điều hành, phát triển kinh doanh để giảm nhân sự tại chi nhánh, phòng giao dịch”.

Bên cạnh đó, ông Thắng cho biết, LienVietPostBank đã sớm đầu tư vào sản phẩm công nghệ cao, từ tháng 8.2016 đã đưa vào kinh doanh dịch vụ ứng dụng Ví Việt. Ví Việt được LienVietPostBank định hướng là sản phẩm mũi nhọn trong chiến lược xây dựng ngân hàng số, là công cụ huy động vốn, cho vay tiêu dùng và phát triển tín dụng vi mô online 24/7 để hướng tới mục tiêu ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, ngân hàng của mọi người. Ông Thắng nhấn mạnh: “Chỉ có đầu tư vào công nghệ cao thì mới giải được bài toán giảm chi phí hoạt động hiệu quả cho các ngân hàng, đặc biệt là trong mảng kinh doanh bán lẻ”.

LienVietPostBank: Tang toc trong cuoc dua ngan hang so
 

Lợi nhuận nhờ tín dụng tiêu dùng

Năm 2107, ngành ngân hàng có một năm đầy khả quan khi lợi nhuận sau thuế tăng 44,5% so với với năm 2016, chủ yếu nhờ tăng trưởng hoạt động tín dụng. Lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 31,1% so với năm 2016. Tuy nhiên, cơ cấu thu nhập lãi của các nhóm ngân hàng lớn có xu hướng dịch chuyển dần sang nguồn thu từ dịch vụ như VietinBank và Vietcombank, mặc dù thu nhập lãi thuần vẫn tăng trưởng tốt và chiếm tỷ trọng cao. Việc giải quyết nợ xấu hiệu quả cũng mang lại nguồn thu cho nhóm các ngân hàng nhỏ hơn như Sacombank và Eximbank.

Thị trường tín dụng tiêu dùng tăng trưởng với tốc độ rất nhanh trong nhưng năm gần đây (tăng 65% năm 2017 và tăng 50,2% năm 2016). Tín dụng cá nhân bùng nổ chính là dư địa phát triển cho nhóm các ngân hàng mới nổi. LienVietPostBank là một trong những tổ chức tín dụng tận dụng xu thế đó với 98,5% khách hàng của ngân hàng là khách hàng cá nhân. Dư nợ cá nhân cũng tăng trưởng hơn 9 lần trong giai đoạn năm 2013 -2017 (đạt hơn 38.000 tỉ đồng năm 2017).

LienVietPostBank cũng bắt kịp xu thế bán lẻ và thu lợi nhuận từ dịch vu, lợi nhuận trước thuế cuối năm 2017 đạt 1.786 tỉ đồng, gấp 1,2 lần tổng lợi nhuận trước thuế cả giai đoạn 2013-2015; thu nhập lãi thuần đạt 5.227 tỉ đồng tăng 230% so với năm 2013. Với ưu thế là ngân hàng trả lương hưu qua hệ thống của Bưu điện Việt Nam, LienVietPostBank đã đưa ra sản phẩm Tín dụng hưu trí dựa trên lương hưu hằng tháng. Từ sau khi ra đời vào năm 2015, sản phẩm này đã tăng gần gấp đôi về số lượng khách hàng lẫn dư nợ tín dụng. Tính đến cuối năm 2017, dư nợ sản phẩm này đã đạt đến 10.500 tỉ đồng.

Chặng đường 10 năm của LienVietPostBank được đánh dấu bằng 2 năm chạy nước rút cuối cùng đầy ấn tượng với sự cải thiện trong chất lượng tài sản và quản lý rủi ro. Trung bình tăng trưởng huy động ở mức 25% với nguồn vốn huy động từ các các nhân và tổ chức kinh tế (thị trường 1) chiếm 90%.  Thêm vào đó, mức huy động lớn hơn cho vay trên thị trường 1, LienVietPostBank có rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất thấp hơn nhiều so với những ngân hàng dựa nhiều vào nguồn vốn từ thị trường 2. Hoạt động chủ yếu trên thị trường 1 hay nói cách khác là tập trung vào ngân hàng bán lẻ giúp việc quản lý rủi ro an toàn hơn và hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Cổ phiếu của LienVietPostBank cũng bắt đầu giao dịch trên sàn Upcom. So với các cổ phiếu của nhóm ngân hàng vừa và nhỏ khác niêm yết trong năm vừa qua, LienVietPostBank được xem là ít sóng gió khi giá giao dịch cổ phiếu trụ đều quanh mức 15.2 đến 16.3 hiện nay với thanh khoản tốt, dù đã chia cổ tức năm 2017 là 10% bằng tiền mặt vào tháng 2.2018 và cuối tháng 3 đã đưa thêm hơn 100 triệu cổ phiếu mới phát hành cuối năm 2017 vào giao dịch. Room nước ngoài là 5% cũng đã đầy khá nhanh sau thời điểm niêm yết.

“Kế hoạch trong năm 2018, LienVietPostBank sẽ tăng vốn lên trên 10.000 tỉ đồng trước khi chính thức niêm yết trên sàn HOSE để bảo đảm tăng trưởng ổn định và bền vững của ngân hàng và hiệu quả cho các cổ đông và nhà đầu tư”, ông Thắng cho biết.

LienVietPostBank: Tang toc trong cuoc dua ngan hang so
 

Ông Nguyễn Đình Thắng, tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank:

*Trở thành một trong những ngân hàng có mạng lưới lớn nhất hiện nay, xin ông chia sẻ kế hoạch tiếp theo cho việc phát triển mạng lưới của LienVietPostBank trong thời gian sắp tới?

LienVietPostBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới. Chỉ có mạng lưới rộng, tiếp xúc gần nhất với người dân thì mới có điều kiện tư vấn cho họ tố nhất, cũng như hiểu được nhu cầu của họ tốt nhất.

Cũng có nhiều câu hỏi cho chúng tôi xung quanh vấn đề chi phí hoạt động khi mạng lưới hoạt động đã quá rộng. Công nghệ chính là điểm then chốt để cắt giảm chi phí hoạt động cho mạng lưới hoạt động của LienVietPostBank. Cho dù hệ thống của chúng tôi có rộng gấp nhiều lần so với các ngân hàng khác,  nếu chúng tôi đầu tư tốt vào công nghệ hóa, hiện đại hóa và số hóa, thì ngân hàng vẫn có thể mở rộng hệ thống, tối ưu hóa số lượng nhân sự và giảm chi phí cùng một lúc.

*Công nghệ sẽ là một trong những điểm chủ đạo để các ngân hàng cạnh tranh trong mảng bán lẻ. Ông có thể chia sẻ chiến lược đầu tư vào ngân hàng số của LienVietPostBank?

Chúng tôi đang là một trong các ngân hàng dẫn đầu trong việc phát triển ngân hàng số với minh chứng là sản phẩm “Ví Việt”. Ví Việt vốn dĩ được phát triển như một thẻ phi vật lý. Nhưng hội đồng quả trị và người trực tiếp phát triển ứng dụng này là tôi, đã quyết định phát triển ngân hàng số trên nền tảng sản phẩm này, bằng cách đưa các dịch vụ ngân hàng lên điện thoại thông minh để tăng sức lan tỏa của Ví Việt.

 *LienVietPostBank triển khai sản phẩm Ví Việt trong năm 2016, ông có thể chia sẻ kết quả của 2 năm triển khai sản phẩm này và chiến lược phát triển trong tương lai của sản phẩm này?

Hiện nay, Ví Việt đã đáp ứng được một số dịch vụ ngân hàng cơ bản. Khách hàng hiện đã không cần đến quầy giao dịch mà có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, 24/7 các dịch vụ này. Quan trọng nhất là ứng dụng đã có thể cung cấp được dịch vụ thanh toán hay trung gian thanh toán, huy động tiết kiệm, cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm, tư vấn tài chính và khởi tạo các hồ sơ từ xa. Đó là 4 việc là khách hàng thường phải đến quầy trước đây.

Các dịch vụ này đã biến Ví Việt thành một ngân hàng số gần hoàn chỉnh. Chúng tôi khuyến khích mọi người dân gởi tiền vào ngân hàng từ những khoản tiền nhỏ nhất như 500 ngàn đồng. Ứng dụng  Ví Việt đã giúp mọi giao dịch từ nhỏ đến lơn trở nên thuận tiện và giảm thiểu chi phí cho cả người dân lẫn chúng tôi. Điều này tạo thuận tiện rất lớn cho các khách hàng nhỏ lẻ, để góp dần và rút ra các khoản tiền nhỏ. Chúng tôi cũng khuyến khích tư vấn khách hàng các nhân tiết kiệm dần các khoản tiền từ mức nhỏ, cũng như thế chấp cho các khoản vay một cách hợp lý nhất.