Liên Phương "chinh phục" 80 triệu USD của người Nhật
Một người Việt khóa vai một người Nhật vui vẻ đi vào văn phòng của Công ty Cổ phần Dệt may Liên Phương. Một người là Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Liên Phương và người còn lại là Tổng Giám đốc của Công ty Takisada-Nagoya (Nhật), bạn hàng mới của Liên Phương. Hình ảnh này rất tiêu biểu cho tình bạn trong kinh doanh, nhất là tình bạn với đối tác Nhật vốn được xem là “khó tính” trong việc chọn đối tác.
Người bạn bất ngờ
Tình bạn giữa 2 người bắt đầu từ một buổi sáng cách đây 2 năm. Theo chân người giới thiệu, đại diện của Công ty Takisada-Nagoya đến thăm nhà máy của Liên Phương và đề nghị được xem nhà máy Công ty mới đầu tư. Sau khi xem xong dây chuyền sản xuất, khách Nhật đặt hàng Liên Phương phân phối độc quyền sản phẩm vải len chải kỹ nhưng yêu cầu chất lượng rất khó và Liên Phương không đạt yêu cầu.
Rất ít nhà máy có dây chuyền sản xuất tốt và gần như khép kín hoàn toàn như Liên Phương tại Việt Nam. Do đó, Takisada-Nagoya quyết định hỗ trợ kỹ thuật cho Liên Phương đến khi nào sản phẩm đạt chuẩn sẽ ký kết hợp tác. Ông Tomokatsu Sumida, Giám đốc Điều hành Takisada-Nagoya, cho biết, đã hỗ trợ Liên Phương về kỹ thuật, công nghệ từ công đoạn dệt đến khâu hoàn tất sản xuất đạt tiêu chuẩn khắt khe của Nhật.
Trong suốt 2 năm, nhân sự của Công ty Takisada-Nagoya hầu như lúc nào cũng có mặt tại Liên Phương làm việc và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ông Vũ Quang Anh, Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị Công ty Liên Phương, chia sẻ: “Suốt 2 năm làm việc, chúng tôi phải trải qua nhiều quá trình kiểm tra và hỗ trợ của các chuyên gia Nhật rất khắt khe. Thậm chí, Takisada-Nagoya còn cử 11 nhóm kinh doanh trên thế giới lần lượt đến để làm việc, quan sát và đánh giá chúng tôi. Cuối cùng họ cảm thấy sản phẩm đáp ứng yêu cầu nên đã ký độc quyền phân phối”.
“Có những thời điểm hai bên căng thẳng, tranh cãi xảy ra. Nhưng đến nay, chúng tôi đã thân thiết như người một nhà, công việc đã hoàn thành và sản phẩm đã đạt yêu cầu”, ông Tomokatsu Sumida, Công ty Takisada-Nagoya, chia sẻ.
Sản phẩm muốn vào Nhật rất khó, thậm chí khó hơn cả thị trường Mỹ. Thông thường, một mét vải bán ra, khách có thể chấp nhận 10 lỗi, nhưng với đơn hàng sang Nhật, chỉ chấp nhận trong 10m vải có duy nhất một lỗi nhưng là lỗi có thể sửa chữa, hoặc phần vải lỗi có thể cắt bỏ. Cũng theo ông Quang Anh, đối tác Nhật đem từng kiện hàng ra kiểm tra chứ không kiểm tra đại diện vài kiện như những đơn hàng khác. Vì vậy, không một kiện vải nào có lỗi. “Lấy được lòng tin của người Nhật rất khó nên phải giữ lòng tin lâu dài”, ông Quang Anh chia sẻ thêm.
Tổng giá trị hợp đồng 80 triệu USD, phân phối sản phẩm từ năm 2018-2022, chiếm 50% năng lực sản xuất của Công ty. Cũng phải nói thêm, trước khi đến với đối tác Nhật, vải len chải kỹ cao cấp của công ty này đã thâm nhập vào thị trường châu Âu và Bắc Mỹ thông qua nhiều thương hiệu thời trang như: Berwin & Berwin, River Island, Slater Performance, Slater Fellini, Austin Reed, Next, Ted Baker, Lambretta, Moss Bros...
Bên cạnh các thị trường xuất khẩu, Liên Phương cũng đang đầu tư đẩy mạnh thị trường trong nước với những sản phẩm may sẵn là 2 thương hiệu sản phẩm vải len chải kỹ cao cấp và quần áo may sẵn là Lipofino, Moda Tessuti tại 2 hệ thống phân phối trên toàn quốc.
Nếu 3 năm trước, Liên Phương không đầu tư máy móc công nghệ bài bản thì chắc chắn không có hợp đồng này. Trước đây, khi đầu tư dây chuyền sản xuất vải len chải kỹ cao cấp khép kín, Công ty đã quyết định mua máy móc từ Nhật, Đức, Ý, Mỹ, Hàn Quốc... khép kín từ nhà máy dệt, đến nhà máy hoàn tất với tổng mức đầu tư hơn 30 triệu USD thay vì tiết kiệm hơn mua máy của các nước châu Á khác với giá rẻ. Nhà máy được đầu tư vào năm 2013, lắp đặt thiết bị vào năm 2014, đến cuối năm 2015 chính thức đi vào vận hành, có sản phẩm thương mại.
Theo ông Quang Anh, đến thời điểm này, gần như chưa có doanh nghiệp nào có quy mô sản xuất thành chuỗi và lớn như Liên Phương đối với sản phẩm này và đó là lý do Công ty sớm chinh phục được khách hàng nổi tiếng khó tính như Takisada-Nagoya.
Một quyết định, nhiều thay đổi
Liên Phương nằm trong số ít doanh nghiệp ngành dệt may chịu đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để sản xuất vải len chải kỹ chất lượng cao dành để may bộ veston cao cấp. Có thể nói, Liên Phương đã có cách đi khác biệt so với các doanh nghiệp trong ngành mặc dù xuất phát điểm của Liên Phương khá mờ nhạt.
Năm 1960, thành lập Công ty Kỹ nghệ Tơ sợi Liên Phương, chuyên sản xuất vải dệt thoi từ sợi tổng hợp với hơn 200 máy dệt thoi Tsudakoma, mỗi năm, Công ty sản xuất trên 10 triệu mét vải. Sau nhiều lần đầu tư máy móc thì đến năm 2006, Công ty đầu tư thêm 4 máy dệt kim bằng và có thêm 256 máy dệt nước Tsudakoma để sản xuất mặt hàng taffeta, voan, satin... nâng tỉ lệ sản xuất lên 20 triệu mét mỗi năm.
Đến năm 2007, Công ty đổi tên thành Phước Long và đến năm 2013, Công ty bắt đầu tái cơ cấu sản xuất, sáp nhập với Công ty Vinatex ITC, đổi tên thành Công ty Cổ phần Dệt may Liên Phương. Đến năm 2015, Công ty đổi mới toàn bộ thiết bị, đầu tư chuỗi sản xuất vải dệt thoi len, pha len và dây chuyền may veston cao cấp. Từ đây, Liên Phương bắt đầu được rất nhiều đối tác chú ý. Thậm chí, nhiều đối tác từ nhà cung cấp nguyên liệu chuyển sang là đối tác đầu tư.
Vải len chải kỹ là sản phẩm cao cấp trên thị trường nên nguyên liệu sản xuất chính là lông cừu. Toàn bộ nguyên liệu này được Liên Phương nhập từ Đức. Thế nhưng, sau khi nhà máy vận hành hết công suất cho đơn hàng xuất khẩu và cả thị trường trong nước, Liên Phương lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư thêm nhà máy thứ 2 thì đối tác Đức đã chủ động đặt vấn đề muốn làm nhà đầu tư cung cấp nguyên liệu và máy móc cho Liên Phương, sau đó cùng nhau chia lợi nhuận. Vì thế, trong năm 2018, Công ty sẽ đầu tư hơn 10 triệu USD để hoàn tất thêm nhà máy sợi và nhà máy nhuộm tại Đà Lạt nhằm khép kín hoàn toàn dây chuyền sản xuất.
Mặc dù không quá nổi tiếng trên thị trường trong nước nhưng doanh thu xuất khẩu của Liên Phương đạt khoảng 40 triệu USD/năm. Năm 2018, Công ty đặt mục tiêu doanh thu cao gấp 7-8 lần so với năm 2017, đồng thời sẽ khai thác thêm nhiều thị trường và sản phẩm mới. Trung bình hằng năm, khoảng 25% doanh thu của Liên Phương đến từ thị trường nội địa, nhưng trong năm 2018-2019, con số này sẽ tăng lên hơn 30% và việc hoàn thành đầu tư giai đoạn II dự kiến sẽ xong vào quý I/2019 sẽ giúp Công ty đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Lê Thanh Liêm, Tổng Giám đốc Liên Phương, cho biết: “Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật đã có hiệu lực và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được 11 nước ký kết, trong đó có Nhật và Việt Nam, sẽ tạo thế cạnh tranh cho cả 2 doanh nghiệp trong tương lai”.
“Với hợp đồng độc quyền này còn quan trọng ở chỗ, từ đây, Liên Phương sẽ có thêm nhiều đối tác nhập khẩu tại thị trường Nhật”, ông Quang Anh kỳ vọng.
Cũng phải nói thêm, Takisada-Nagoya được thành lập từ năm 1864. Trước đây, doanh nghiệp này từng đầu tư sản xuất nhưng hiện là một tập đoàn thương mại chuyên ngành dệt may, vải vóc cung cấp cho rất nhiều thị trường trên thế giới.
“Chúng ta hãy cùng nhau nhấm nháp ly rượu sake để ăn mừng cho một tình bạn”, ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, chia vui với hai doanh nghiệp. Cả hội trường cùng cười lớn, bởi tình bạn của họ cũng đã bắt đầu và gắn kết bằng những ly rượu sake trong suốt 2 năm cùng nhau miệt mài làm việc để tìm công thức chung cho sản phẩm hoàn chỉnh