Hợp tác thương hiệu là chiến lược tiếp thị được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Ảnh: TL
Liên minh mới trong bán lẻ
Tập đoàn Kido và Tập đoàn Central Retail Việt Nam vừa ký hợp tác chiến lược đầu tư phát triển ở mảng bán lẻ. Theo đó, Kido sẽ đưa chuỗi F&B Chuk Chuk vào chuỗi trung tâm thương mại GO!, Big C và Tops Market. Trước đó, Kido cũng bắt tay với Sơn Kim để dự kiến đến cuối năm 2022, Chuk Chuk sẽ có mặt tại tất cả các cửa hàng của GS25.
Ngoài ra, các sản phẩm trực thuộc hệ sinh thái kinh doanh của Kido cũng sẽ được đưa vào hệ sinh thái của Sơn Kim. Với các hợp tác này, Kido không giấu mục tiêu 300-400 cửa hàng Chuk Chuk vào năm 2022 và tiếp tục hợp tác với nhiều đối tác để hiện thực hóa mục tiêu 1.000 cửa hàng trong 3 năm cũng như mở rộng sang Thái Lan, các nước Đông Nam Á.
Những thương vụ hợp tác trên cũng cho thấy sự thích ứng của ngành bán lẻ trong bối cảnh dịch bệnh. Vượt qua khó khăn nghiêm trọng bởi đại dịch, trong năm 2020, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 3,9 triệu tỉ đồng, tăng 6,8% so với năm trước. Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 quay trở lại từ tháng 5/2021 khiến tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ so với cùng kỳ năm trước bị giảm mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, doanh thu ngành bán lẻ đạt 4.128,5 ngàn tỉ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 10,4% (cùng kỳ năm 2020 giảm 3,8%). Ngành bán lẻ đang trải qua một thời kỳ biến động kéo dài và theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các yếu tố như thay đổi hành vi tiêu dùng, tăng cường mua sắm trên internet và điều kiện kinh tế đầy thách thức đang thay đổi cách các nhà bán lẻ vận hành và tương tác với khách hàng của họ. Đại dịch đã thêm vào những thách thức này, thúc đẩy các xu hướng như gia tăng mua sắm trực tuyến, nâng cao trải nghiệm kỹ thuật số tại cửa hàng, siêu thị.
Bên cạnh đó, mô hình cửa hàng hỗn hợp Omnichannel sẽ tiếp tục phát triển cùng với sự tái cấu trúc hoạt động từ cửa hàng vật lý, nhà kho đến trụ sở văn phòng hỗ trợ. Người dùng chứng kiến sự thay đổi quy mô nhất theo xu hướng này là chuỗi WinMart+ (tên cũ là VinMart) của Masan với mô hình CV Life (Convenient Life). Theo đó, từ mỗi cửa hàng WinMart+, khách hàng có thể vừa mua hàng hóa thiết yếu vừa dễ dàng mua sắm trà, café take-away Phúc Long, dịch vụ ngân hàng Techcombank.
Nói về chiến lược hợp tác để thúc đẩy mô hình chuỗi F&B Chuk Chuk, ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Kido, cho biết: “Thực tế những kế hoạch này chúng tôi đã xây dựng từ rất lâu và sau khi đại dịch được kiểm soát thì bắt đầu thực thi dần”. Với mô hình này, Kido dự kiến doanh thu trung bình hơn 15 triệu đồng/ngày/điểm bán, riêng các điểm signature cao hơn 20 triệu đồng/ngày/điểm.
Ông Christian Olofsson, Giám đốc Điều hành Khối phát triển Bất động sản Central Retail, chia sẻ: “Sự hợp tác này sẽ phát huy tối đa lợi thế của 2 bên, giữa một bên có thế mạnh về sản xuất và một bên có hệ thống trung tâm thương mại, phân phối đa kênh, rộng khắp cả nước. Đúng với tiêu chí kinh doanh Central Retail đang theo đuổi nhiều trải nghiệm một điểm đến”.
Bản thân Central Retail cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu để thực hiện các chiến lược bán lẻ mới, hướng đến người dùng trẻ, năng động. Hợp tác với Kido giúp Central Retail có thể mở rộng danh mục hàng hóa phân phối tại các hệ thống bán lẻ với những sản phẩm mới, gia tăng lượng khách hàng. Tại Việt Nam, Central Retail đang sở hữu danh mục thương hiệu bán lẻ đa dạng với hơn 290 cửa hàng, 39 trung tâm thương mại đặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sơn Kim Group, kỳ vọng những hợp tác như với Kido “sẽ là một bước ngoặt để cả 2 tập đoàn có thể phát triển sâu rộng ở nhiều lĩnh vực với những dự án lớn trong mảng sản xuất, bán lẻ cũng như bất động sản”.
Thực tế, theo đánh giá của Savills, hợp tác thương hiệu là chiến lược tiếp thị được nhiều doanh nghiệp sử dụng để tạo nên các sản phẩm hoặc dịch vụ sở hữu nhiều tên thương hiệu khác nhau như một phần của liên minh chiến lược. Mối đe dọa của công nghệ tới các cửa hàng bán lẻ truyền thống được ghi nhận có tác động tương tự tới những thương hiệu lâu đời cũng như mới nổi. Điều này đặt các thương hiệu đứng trước yêu cầu phải tìm ra giải pháp để trở nên nổi bật và được đông đảo công chúng biết đến hơn.
Trong lĩnh vực bán lẻ, năm 2017, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam từng đề xuất Chính phủ thành lập một tập đoàn bán lẻ trên cơ sở liên kết của 4 doanh nghiệp hàng đầu trong nước lúc đó là Saigon Co.op, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tập đoàn Phú Thái. Tuy nhiên, liên doanh này không thành, Phú Thái đã rơi vào tay Tập đoàn TCC của Thái Lan. Trước đó, ngành bán lẻ Việt Nam từng kỳ vọng sự ra đời của một tập đoàn đa sở hữu về bán lẻ sẽ mở được đầu ra cho hàng Việt, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho khối bán lẻ nội địa.