Huy Vũ Thứ Ba | 18/12/2018 07:30

Liên minh 17 Taxi: Đông thôi chưa đủ

17 hãng taxi trên toàn quốc vừa thành lập liên minh để cạnh tranh với Grab.

Dưới sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 17 hãng taxi với các tên tuổi lớn như Thanh Nga, Vạn Xuân, Thăng Long, Sao Mai, VIC, Open99 (thương hiệu của Mai Linh Đông Đô) đều gia nhập liên minh taxi và chọn Hà Nội là cứ điểm đầu tiên để giành thị phần từ tay Grab.

Phủ về số lượng

Theo thông tin “Liên minh 17” cung cấp, hiện có khoảng 4.000 xe hoạt động ở Hà Nội. Trên toàn quốc, con số này là 12.000 xe, phủ 40 tỉnh thành. Đại diên Liên minh cho biết trong năm 2019 sẽ đạt con số 20.000 xe hoạt động và tăng độ phủ lên 63 tỉnh, thành. Công nghệ EMDDI, do các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu và phát triển sẽ là công nghệ xương sống cho liên minh này. “Công nghệ của chúng tôi không thua bất kỳ nền tảng công nghệ số nào hiện nay”, vị đại diện này nói.

Việc sử dụng phần mềm để gọi xe và tính quãng đường là cách liên minh này xóa nhòa định kiến các hãng taxi truyền thống sử dụng đồng hồ đếm sai, gian lận. Điểm cộng tiếp theo, theo cam kết của ông Lê Quang Vinh, Phó Chủ tịch “Liên minh 17”, là đón xe trong vài phút và không tăng giá vào giờ cao điểm.

Lien minh 17 Taxi: Dong thoi chua du
 

Grab, đối tượng “Liên minh 17” thành lập để cạnh tranh, hiện có hơn 60.000 xe trên toàn quốc (thống kê của 3 hiệp hội taxi ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội hồi tháng 3.2018).

Trước việc thành lập “Liên minh 17”, ông Jerry Lim, Tổng Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết  bên cạnh ứng dụng gọi xe, khách hàng luôn có thể xem xét quyết định, lựa chọn sử dụng các hình thức vận chuyển khác để di chuyển từ điểm này đến điểm khác, bao gồm gọi xe taxi, vẫy xe taxi trên đường, hay sử dụng các ứng dụng gọi xe khác. Tương tự các tài xế cũng có quyền chuyển sang tham gia các công ty khác khi các điều kiện phổ biến như giá cả và thu nhập không còn phù hợp với họ.

Bài toán thu hút khách hàng

Tuy nhiên, ứng dụng phần mềm là chưa đủ trong sân chơi gọi xe hiện nay. Bài toán “Liên minh 17” phải giải quyết đó là thu hút người sử dụng. Đại diện Liên minh thừa nhận vẫn còn loay hoay với bài toán này. Trên thực tế, đây là câu chuyện về tài chính, các hãng tham gia phải liên tục khuyến mãi để thu hút người dùng.

Easy Taxi, hãng từng tham gia vào cùng thời điểm Grab và Uber giai đoạn 2014-2015, cho biết đã tốn gần 1 triệu USD chỉ tính riêng các chương trình khuyến mãi ở TP.HCM sau chưa tới 9 tháng. Công ty này sau đó nhường lại sân chơi tại Việt Nam cho Grab (huy động 250 triệu USD từ SoftBank) và Uber (huy động 2,1 tỉ USD) dù bản thân đã huy động được 40 triệu USD từ Phenomen Ventures (Nga) và Tengelmann Ventures (Đức).

“Liên minh 17” cần các hoạt động khuyến mãi với quy mô lớn, nhất là khi các sản phẩm, dịch vụ của Grab đã bén rễ vào nhiều hoạt động của người sử dụng như thanh toán điện tử, đặt món ăn, giao đồ.

Lien minh 17 Taxi: Dong thoi chua du
 

Giá dịch vụ cũng là vấn đề “Liên minh 17” phải đối mặt. Ông Jerry Lim của Grab cho biết, dựa trên khảo sát của Công ty, từ khi công nghệ cho phép xem giá cước trước khi đi trở nên phổ biến, có đến 59% người sử dụng phần mềm gọi xe ô tô sẽ chuyển sang dịch vụ vận tải khác nếu giá cước tăng 10%.

Grab có khả năng giữ mức giá giảm trên thị trường trong thời gian dài vì 3 lý do. Thứ nhất, đây là đơn vị phần mềm kết nối người đặt xe và tài xế, do đó không chịu các khoản phí như bảo trì, bảo hiểm xe hay trả lương cho người sử dụng. Thứ 2, gọi xe không phải là dịch vụ kinh doanh đem lại lợi nhuận chính cho Grab. Thanh toán điện tử và cho vay tiêu dùng mới là hai dịch vụ hái ra tiền cho doanh nghiệp đến từ Malaysia.

Thống kê của Grab cho thấy nếu thị trường di chuyển ở Đông Nam Á chỉ có 25 tỉ USD thì thanh toán trực tuyến là 500 tỉ USD. Do đó, các dịch vụ như gọi xe hơi, xe máy, đặt đồ ăn và các dịch vụ sinh sau khác chỉ có một mục tiêu là thu hút khách hàng ở lại và thanh toán trên nền tảng của Grab. Họ sẵn sàng áp giá “sát phạt” với các đơn vị cạnh tranh để có người sử dụng.

Thứ 3, nguồn tài chính của Công ty vẫn còn rất mạnh và là một địa chỉ thu hút vốn vào Đông Nam Á. Theo đó, trong số 8 tỉ USD vốn đầu tư đổ vào Đông Nam Á năm 2017 (theo Hiệp hội vốn mạo hiểm của Singapore), có 2,5 tỉ USD đổ vào Grab. Còn từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này gọi được tổng cộng 400 triệu USD từ Hyundai Motor (Hàn Quốc) và Yamaha Motor (Nhật).

Cho đến nay, vẫn chưa rõ cách “Liên minh 17” vận hành cũng như tên tuổi của các quỹ đầu tư hậu thuẫn về tài chính cho liên minh này. Đây mới là các yếu tố giúp họ cạnh tranh với Grab trong thời gian tới. Độ phủ và số lượng xe chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ.