Liên kết yếu giữa FDI và doanh nghiệp trong nước
Năng suất lao động của Việt Nam dần được thu hẹp với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới, một phần nhờ đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, lợi thế cạnh tranh của một số ngành công nghiệp cũng được gia tăng.
Giai đoạn 2001-2005, Việt Nam chỉ có duy nhất nhóm ngành công nghệ thấp (dệt may, da giày) có lợi thế so sánh (RCA >1). Nhưng đến giai đoạn 2011-2015, có thêm nhóm ngành công nghiệp cơ bản, công nghệ cao-điện, điện tử, điện thoại, máy tính.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, tuần trước tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, đã thẳng thắn nhìn nhận: “Việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực trong nước còn thấp”.
Ông Dũng, người trực tiếp quản lý Cục Đầu tư nước ngoài, cũng thừa nhận “mhiều vị trí việc làm trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nay đã được thay thế bằng lao động Việt Nam”.
Liên kết vẫn rất yếu
Khu vực FDI đã có đóng góp lớn trong cung cấp vốn đầu tư, tạo việc làm và cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sự hiện diện của khu vực FDI giúp tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn buộc các doanh nghiệp nội địa phải đổi mới từ đó cải thiện năng suất.
Trong một nghiên cứu mới đây, TS. Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định, đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) chủ yếu do thu hút lao động từ những khu vực có mức lao động tuyệt đối thấp sang làm việc hơn là đóng góp từ việc cải thiện năng lực sản xuất của chính khu vực FDI.
“Liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa yếu, những tác động lan tỏa từ khu vực FDI tới doanh nghiệp nội địa về công nghệ, kỹ năng còn hạn chế” - TS Lê Văn Hùng. |
Kết quả tính toán của TS. Hùng từ số liệu ngành công nghiệp chế biến cho thấy, liên kết ngược và liên kết xuôi giữa 2 khu vực này vẫn rất yếu, đặc biệt những lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, máy tính và sản xuất xe có động cơ.
Trong khi đó, mức độ liên kết giữa khu vực FDI và khu vực nội địa trong ngành công nghiệp chế biến giai đoạn 2000-2008 của Indonesia đã khá cao. Chỉ số liên kết ngược và liên kết xuôi bình quân của các ngành công nghiệp chế biến dao động ở mức khá cao, từ 35-50%. Chỉ số này của Việt Nam thường chỉ ở mức 10-20%.
Một điểm quan trọng nữa, theo TS. Hùng, xu hướng liên kết rất chậm được cải thiện theo thời gian. Do đó, tác động của vốn FDI tới NSLĐ thông qua kênh gián tiếp chưa thực sự đạt được như kỳ vọng.
Chú ý chất, thay vì lượng
Việt Nam đang lên kế hoạch thu hút FDI giai đoạn tới. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, "sẽ đẩy mạnh liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, với khu vực doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị”.
Giải pháp mà vị Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra là cần song chưa đủ mạnh để tạo sự liên kết giữa hai khu vực doanh nghiệp FDI và trong nước trong bối cảnh đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ ở Việt Nam của khu vực FDI phần lớn do đóng góp từ dịch chuyển lao động, chiếm tới 64% bình quân năm, giai đoạn 2006-2016, còn đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ do năng lực của chính khu vực này chiếm tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều, chỉ 36%.
Theo TS. Lê Văn Hùng cho rằng cần lựa chọn ngành trọng điểm để có hướng khuyến khích phát triển phù hợp nhằm gia tăng liên kết và tham gia của khu vực nội địa. Nước ta cần chú ý tới chất lượng của dòng vốn FDI thu hút thay vì số lượng.
Việc thu hút vốn FDI cần gắn chặt với chiến lược phát triển quốc gia, chỉ tập trung ưu tiên thu hút một số ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh theo từng vùng, đặc biệt ưu tiên những doanh nghiệp chế biến sâu, công nghệ cao, năng lượng mới để tạo hiệu ứng lan tỏa lớn đối với nền kinh tế trong dài hạn.
Cần xây dựng thí điểm vài khu công nghiệp sinh thái hướng tới chỉ thu hút các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa cùng ngành, cùng lĩnh vực và có liên kết, hỗ trợ nhau phát triển. Chẳng hạn, vùng Tây Nguyên có thể xây dựng KCN riêng cho những doanh nghiệp sản xuất chế biến cà phê, cao su; vùng đồng bằng sông Cửu Long có riêng KCN chế biến các sản phẩm/thành phẩm liên quan tới thủy sản, trái cây hay các sản phẩm liên quan tới gạo.
Hiện tại, những doanh nghiệp hỗ trợ thường thiếu vốn để đầu tư công nghệ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp FDI. Nhà nước cần ưu tiên tiếp cận tín dụng đối với những ngành/lĩnh vực hỗ trợ ưu tiên phát triển thông qua tiếp cận vốn có kỳ vay dài hạn, Chính phủ có thể thực hiện bảo lãnh vay tín dụng cho những doanh nghiệp hỗ trợ có tiềm năng.
Một điểm quan trọng nữa được TS Hùng chỉ rõ, Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại, trao đổi giữa các tập đoàn FDI lớn và nhẳm tìm kiếm đối tác cung cấp đầu vào cũng như cùng tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế để tăng cường cơ hội hợp tác giữa 2 phía.