Lịch họp cổ đông và khả năng sáp nhập của Eximbank?
Việc Ngân hàng Nhà nước nhúng tay vào ĐHĐCĐ thường niên của Eximbank và NamABank bất ngờ thông báo ĐHĐCĐ bất thường có liên quan gì tới nhau? Liệu thị trường có thêm “cặp đôi” nữa sẽ về “một nhà” trong năm nay?
NamABank bất ngờ thông báo sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 15/7 tới mà không tiết lộ nội dung. Còn Eximbank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và sẽ diễn ra vào ngày 21/7 tới.
Có gì liên quan tới nhau khi hai ngân hàng này tổ chức ĐHĐCĐ? Sẽ là bình thường, nếu như không có những tin đồn liên quan đến việc 2 ngân hàng này sẽ sáp nhập với nhau mà bên “cầm trịch” lại là một ngân hàng có quy mô nhỏ hơn là NamABank. Còn Eximbank thì đến thời điểm bầu lại thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới.
Theo thông tin từ phía Eximbank, lý do đến thời điểm này ngân hàng mới tổ chức ĐHĐCĐ là do chờ chấp thuận từ phía NHNN. Tại sao NHNN lại thận trọng trong việc cho Eximbank tổ chức đại hội cổ đông đến như vậy?
Theo một chuyên gia ngân hàng, có nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là liên quan đến tin đồn sáp nhập với NamABank trong thời gian qua.
“ĐHĐCĐ năm nay của Eximbank có một nội dung quan trọng, đó là bầu lại thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới. Có vẻ như NHNN cần kiểm tra kỹ những thành viên HĐQT được đề cử đại diện cho một cổ đông mới”, vị này bình luận.
Trong một cuộc họp vào tháng 5/2015, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết NHNN cần rà soát năng lực tài chính của các thành viên HĐQT mới để ngăn chặn hữu chéo trong ngành ngân hàng.
Trong văn bản giải thích với cổ đông, Eximbank cũng nói lý do khiến NHNN cân nhắc việc chấp thuận cho ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ là vì danh sách dự kiến những người được bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát.
Trong thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới của Eximbank đã có sự thay đổi, đó là có 2 thành viên mới đến từ NamABank được đề cử đại diện cho hơn 20% cổ phần.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm cho rằng việc kéo dài thời gian tổ chức ĐHĐCĐ của Eximbank có liên quan đến một vấn đề quan trọng mà nội dung đại hội lần này có nhắc đến, đó là có liên quan đến những tranh luận về định hướng tương lai cũng như khả năng sáp nhập của ngân hàng.
“Thông thường việc được NHNN chấp thuận và danh sách dự kiến những người được bầu vào HĐQT nói chung không có gì khó khăn. Do vậy lý do hoãn họp ĐHĐCĐ thường niên rõ ràng cho thấy ở đây có những yếu tố đặc biệt”, vị chuyên gia này bình luận.
Theo vị chuyên gia này, hiện Eximbank đang là ngân hàng mạnh khỏe sau khi tái cơ cấu lại tài sản và bán nợ cho VAMC trong quý IV/2014. Do vậy đây không phải là lý do khiến ngân hàng hoãn họp ĐHĐCĐ thường niên.
“Tuy nhiên do một cổ đông mới bên ngoài đã mua một lượng lớn cổ phiếu EIB của Eximbank vào cuối năm ngoái và sau đó đề cử 2 đại diện vào HĐQT thì cơ cấu sở hữu đã có sự thay đổi đáng kể. Tuy vậy hiện không có nhóm cổ đông nào giành được quyền kiểm soát ngân hàng và vì vậy có vẻ đang có sự tranh luận về định hướng tương lai của ngân hàng (bao gồm vấn đề kiểm soát và sở hữu ngân hàng)”, CTCK TP.HCM (HSC) bình luận.
Với việc sở hữu hơn 20% cổ phần của Eximbank đến từ cá nhân và đại diện của NamABank, vấn đề đang được tranh luận là khả năng sáp nhập với ngân hàng này. Sự hoãn lại trong việc tổ chức ĐHĐCĐ trong thời gian qua của NHNN là để các cổ đông có thời gian thương thảo và đi đến sự thống nhất về các kế hoạch định hướng tương lai cho ngân hàng. Do vậy, sự chấp thuận cho Eximbank tổ chức ĐHĐCĐ cũng cho thấy các nhóm cổ đông lớn đã đạt được sự thỏa thuận.
“Cùng với đó là việc NamABank bất ngờ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, cho thấy khả năng sáp nhập giữa hai ngân hàng này là rất triển vọng. Xu hướng này cũng phù hợp với định hướng giảm số lượng ngân hàng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu của NHNN”, vị chuyên gia ngân hàng này bình luận.
Còn một lý do nữa có vẻ cũng liên quan đến việc hoãn tổ chức ĐHĐCĐ của Eximbank, đó là việc thoái vốn của Vietcombank tại ngân hàng này. Thực tế, đến nay vẫn chưa có thông tin nào liên quan đến việc Vietcombank sẽ thoái vốn tại Eximbank. Nhưng theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, mỗi NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của hai TCTD khác, với tỷ lệ nắm giữ tối đa phải dưới 5%.
Với quy định như vậy, Vietcombank đang chịu áp lực thoái vốn và sáp nhập rất nặng nề. Tính đến thời điểm này, Vietcombank đang sở hữu cổ phần của 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính với tỷ lệ trên 5% (MB, OCB, Eximbank, Saigonbank, Công ty Tài chính Xi măng). Vietcombank chỉ có thời hạn 1 năm kể từ ngày 1/2/2015 để đưa tỷ lệ về mức cho phép.
Việc thoái vốn của Vietcombank tại Eximbank thời điểm này có tác động rất lớn tới sáp nhập của ngân hàng này. Với tỷ lệ sở hữu 8,2% của Vietcombank, cổ đông lớn nào mua lại được thì có thể nắm quyền chi phối Eximbank. Do vậy, quyết định thoái vốn tại thời điểm này hay không cũng nằm trong tính toán của NHNN.
Có lẽ, mọi việc sẽ sáng tỏ hơn sau khi NamABank tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và Eximbank tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên sẽ diễn ra vào giữa tháng 7 tới.
Nguồn Diễn đàn đầu tư