Thứ Sáu | 23/11/2012 11:26

Lấy ý kiến dân về Hiến pháp từ đầu 2013

Theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua sáng 23/11, quá trình lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp sửa đổi sẽ bắt đầu từ tháng 1/2013, kéo dài 3 tháng.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, một số đại biểu Quốc hội đề nghị nên tổ chức lấy ý kiến sớm hơn, có thể bắt đầu từ tháng 12 năm nay và tăng thời gian lấy ý kiến.

Ông Phan Trung Lý cho biết, những lần sửa đổi Hiến pháp trước đây đều có thời gian lấy ý kiến nhân dân khác nhau. Thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 là 4 tháng. Với Hiến pháp năm 1992 là 2 tháng; lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 năm 2001 là 1,5 tháng.

Như vậy, thời gian lấy ý kiến dài hay ngắn phụ thuộc vào mục đích, yêu cầu và nội dung của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nếu thời gian quá ngắn thì sẽ không kịp triển khai, nhân dân không có đủ thời gian để nghiên cứu, mạn đàm, góp nhiều ý kiến. Ngược lại, nếu quá dài thì dẫn đến tản mạn, hình thức và không bảo đảm tiến độ chỉnh lý.

Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định thời gian lấy ý kiến nhân dân 3 tháng để vừa bảo đảm việc triển khai sâu rộng, vừa bảo đảm thời gian dành cho việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.

Như vậy, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ bắt đầu từ ngày 2/1/2013 đến 31/3/2013 để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013).

Các hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm: góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; thông qua tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; qua trang thông tin điện tử của Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng...

Nghị quyết nêu rõ, quy định cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm mở chuyên trang, chuyên mục về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đưa tin, đăng tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân.

Người dân có thể góp ý về toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Quốc hội cũng kêu gọi người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến.

Ý kiến đóng góp sẽ được gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Sau đó, cơ quan này sẽ tổng hợp báo cáo, đưa ra các phương án tiếp thu, giải trình và trình Quốc hội để xem xét, quyết định. Dự kiến, dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6, năm 2013.

Nguồn Vietnamnet


Sự kiện