Hà Linh Thứ Tư | 06/12/2023 14:00

Lấy lại thời hoàng kim của đường

Giá đường liên tục lập đỉnh mang đến niềm vui cho toàn ngành và đặt ra kỳ vọng về sự hồi phục của ngành sau nhiều năm thất thế trước đường ngoại.

Giá đường thế giới đã thiết lập mức đỉnh 12 năm vào ngày 6/11 trong bối cảnh gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung đường từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), sản xuất đường toàn cầu dự kiến giảm 1,2% so với cùng kỳ trong niên vụ 2023-2024, trong khi sản lượng tiêu thụ tăng nhẹ 0,24%, dẫn đến thiếu hụt 2,1 triệu tấn đường trong niên vụ 2023-2024.

Đà tăng của giá đường 

Giá đường thế giới tăng mạnh giúp giá đường trong nước tăng theo. Công ty Chứng khoán SSI Research cho biết, trong quý III/2023 giá đường bình quân trong nước là 21.500 đồng/kg, tăng 13% so với cùng kỳ và 9% so với quý trước, tương quan với đà tăng giá đường thế giới. Bên cạnh đó, giá đường trong nước cũng đang được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho mía đường nội địa, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm thuế chống bán phá giá lên đường nhập khẩu từ Thái Lan và thuế chống bán phá giá (47,64%) đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar) có nguồn gốc từ Thái Lan.

Theo VNDirect Research, giá đường trong nước sẽ tiếp tục dao động ở mức cao trong năm 2024 nhờ xu hướng biến động cùng chiều với đường thế giới và việc áp dụng thuế chống bán phá giá sẽ tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành mía đường trong nước ở dài hạn.

Là doanh nghiệp có quy mô sản xuất đường lớn thứ 2 cả nước, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi liên tục báo lãi lớn trong 10 tháng năm 2023 với tổng doanh thu đạt 8.800 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 1.900 tỉ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực của Đường Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La cũng ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây với doanh thu đạt 1.715 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 523,1 tỉ đồng, vượt 595% kế hoạch năm niên vụ 2022-2023 (từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2023).

 

Lạc quan trong thận trọng

Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp mía đường đều kinh doanh khả quan. Với vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường nội địa với 46% thị phần ngành đường, Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa lại ghi nhận kết quả kinh doanh trái chiều so với các doanh nghiệp lớn khác trong ngành mía đường. Theo đó, niên vụ 2022-2023 doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 24.700 tỉ đồng, tăng 35% so với niên vụ trước, nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ đạt 719 tỉ đồng, giảm 30% so với niên vụ trước và chỉ hoàn thành 83,4% kế hoạch năm.

Phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho thấy trong niên vụ 2022-2023 chi phí tài chính của Thành Thành Công - Biên Hòa tăng 16,6% so với cùng kỳ do khoản vay ngắn hạn tăng 27,3% đã bào mòn lợi nhuận. 

Một doanh nghiệp khác trong ngành mía đường với diện tích trồng mía lớn thứ 3 cả nước là Mía đường Lam Sơn cũng kinh doanh kém khả quan trong niên vụ 2022-2023. Theo đó, tổng doanh thu của Mía đường Lam Sơn đạt 1.807,63 tỉ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 39,74 tỉ đồng, giảm 20,4%, hoàn thành 66,2% so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo của Thành Thành Công đặt kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng trong niên vụ 2023-2024 với mục tiêu doanh thu đạt 20.600 tỉ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước nhưng mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 850 tỉ đồng, tăng 18% so với niên vụ trước. Hiện nay, Thành Thành Công sở hữu quỹ đất nông nghiệp lên tới 68.000 ha tại 4 quốc gia gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Úc, giúp doanh nghiệp giữ vững vị thế đầu trong ngành mía đường. 

Tuy nhiên, 60% nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp này vẫn là đường thô nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, Công ty có thể không được hưởng lợi nhiều từ xu hướng giá đường trong nước tăng do giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cũng tăng tương ứng sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá.

Mảng đường của Đường Quảng Ngãi cũng được SSI Research nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 với sản lượng đường RS đạt 230.000-240.000 tấn, tăng khoảng 15-20% so với cùng kỳ trong khi sản lượng đường RE đạt 40.000 tấn. Dự báo cả năm 2024 Đường Quảng Ngãi đạt doanh thu 11.000 tỉ đồng, tăng 9% so với năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 2.100 tỉ đồng, tăng 8%.

Một số doanh nghiệp tỏ ra thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh cho niên vụ mới do lo ngại ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Niño đến sản lượng và năng suất thu hoạch mía. Theo đó, Mía đường Sơn La đặt kế hoạch doanh thu 1.045 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 137 tỉ đồng, lần lượt giảm 39% và 74% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp lo ngại về tình trạng khô hạn, nắng nóng tại tỉnh Sơn La và khu vực các tỉnh Tây Bắc đang ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu mía tại đây, khiến cho nhiều diện tích mía bị chết và làm tăng nguy cơ sụt giảm sản lượng mía trong niên vụ mới. Công ty Cổ phần Đường Kon Tum cũng chung nỗi lo với Mía đường Sơn La khi đặt mục tiêu doanh thu giảm 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 28%.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện sản lượng đường trong nước chỉ chiếm 30% tổng nguồn cung đường của Việt Nam, phần còn lại đến từ đường nhập khẩu chính ngạch và đường nhập lậu. Một phần nguyên nhân là nhiều năm qua, nông dân và doanh nghiệp không còn mặn mà với ngành mía đường do đứng trước cuộc chiến không cân sức với đường ngoại cũng như đường nhập lậu. Từ tháng 2/2011 đến tháng 8/2019, giá đường giảm hơn 60%. Xu hướng này khiến tỉ lệ tự cung ứng đường trong 5 niên vụ gần nhất của Việt Nam đã giảm mạnh, xuống còn 35-40%.

Sự thuận lợi giá đường thời gian gần đây mang lại niềm lạc quan về khả năng phục hồi của ngành mía đường. Ngành mía đường Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 phục hồi vùng nguyên liệu mía quy mô 250.000 ha, đến năm 2028 đạt quy mô 300.000 ha, quay về thời kỳ sản xuất đáp ứng gần đủ nhu cầu tiêu dùng. 

Tuy nhiên, dù diện tích mía đã tăng trở lại nhưng vẫn còn khá thấp so với mức trung bình trên 200.000 ha trong giai đoạn trước khi thực hiện ATIGA. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá đường khả năng cao sẽ chỉ neo ở vùng giá cao 12 năm, rất khó để có thể bật tăng mạnh hơn nữa. 

Những lo ngại về khả năng đáp ứng đủ nguồn cung trên toàn cầu vẫn còn nhưng không phải là vấn đề cấp thiết. Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết niên vụ mía năm 2023-2024 dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày. Niên vụ mía này dự báo sẽ gặp nhiều thách thức khi phải đối mặt với hiện tượng  El Niño, giá vật tư nông nghiệp tăng, tình hình đường nhập lậu và gian lận thương mại...

 

Vì vậy, để đẩy mạnh đà phục hồi ngành công nghiệp mía đường, đưa ngành về với tiềm năng vốn có trước đây vẫn cần những yếu tố hướng tới sự phát triển dài hạn. Ngoài các biện pháp phòng vệ thương mại, ngành đường còn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát đường nhập lậu, sự hồi phục của nhu cầu nội địa.