Thứ Hai | 29/10/2012 08:28

Lập công ty mua bán nợ: Nhà nước không lấy ngân sách để trả nợ thay doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, quy mô của công ty mua bán nợ quốc gia có thể sẽ thấp hơn so với khối lượng nợ xấu cần phải xử lý.
Trước đó, sáng 22/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”. Trong đó, Chính phủ có báo cáo Quốc hội về việc sẽ nghiên cứu thành lập công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu.

Về vấn đề này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều ngày 28/10, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, xử lý nợ xấu phải cần nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có việc thành lập công ty mua bán nợ. Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao thực hiện đề án và hiện đang bàn với một số đối tác để lên phương án cụ thể xử lý nợ xấu, nợ đọng cho toàn bộ nền kinh tế.

Bộ trưởng cho biết thêm rằng, trong tất cả số nợ đong, nợ xấu cần xử lý thì không có nghĩa tất cả nợ xấu đều xử lý bằng công ty mua bán nợ, công ty mua bán nợ chỉ góp phần xử lý một phần. Bên cạnh đó, để xử lý một khoản nợ xấu thì cũng không có nghĩa là phải cần đến một số vốn tương đương. Như vậy, có thể thấy rằng, quy mô của công ty mua bán nợ quốc gia có khả năng sẽ thấp hơn so với khối lượng nợ xấu cần phải xử lý.

Quy mô cụ thể công ty này và nguồn vốn huy động ra sao thì Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án để trình Chính phủ. Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh, có một điều chắc chắn là nhà nước sẽ không lấy ngân sách để đi bù, để đi trả nợ thay cho doanh nghiệp

Trước đó, ngày 25/10, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý thêm 36 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đến 15/11, sẽ trình Chính phủ đề án “Công ty mua bán nợ quốc gia” với kỳ vọng xử lý thêm 60 - 100 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, hiện nợ xấu của toàn bộ nền kinh tế có địa chỉ tại hệ thống ngân hàng ước khoảng 8,6% trên tổng dư nợ được cho từ 2,5 triệu đến 2,8 triệu tỷ đồng.

Đối với số nợ xấu hiện nay, cơ quan thanh tra cho rằng, trước hết, nợ xấu không phải là khoản nợ mất trắng vì chúng đều có tài sản đảm bảo và khả năng thu hồi vẫn còn. Trên thực tế, tính đến thời điểm hiện nay, các tổ chức tín dụng đã trích được 70 nghìn tỷ đồng trong số 8,6% tỷ lệ nợ xấu.

Mặt khác, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo chiếm tới 85%, mà giá trị của số tài sản đảm bảo này lại tương đương giá trị 135% hay 1,35 lần của khoản nợ được cho là xấu nói trên.

Nguồn Khampha


Sự kiện